Ô nhiễm không khí đô thị đang ở mức báo động cùng với quy định của luật về bảo vệ môi trường buộc Việt Nam phải xây dựng quy chuẩn về khí thải xe máy.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng dự thảo thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe môtô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam với hai thông số là Cacbon Monoxit (CO) và Hydrocacbon (HC) cùng dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn.
Dự kiến thời điểm bắt đầu kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy đang lưu hành tại Hà Nội và TP HCM là ngày 1/1/2027; từ 1/1/2028 áp dụng với Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế; từ 1/1/2030 với các tỉnh, thành phố còn lại.
Về định mức khí thải, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất với xe môtô (còn gọi là xe máy) sản xuất trước năm 2008 áp dụng mức một – mức thấp nhất trong quy chuẩn. Xe sản xuất 2008-2016 áp dụng mức hai. Mức ba áp dụng với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2026; mức bốn cho các xe sản xuất sau 1/7/2026.
Với xe gắn máy, mức một áp dụng với xe sản xuất trước năm 2016; mức hai với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2027. Xe sản xuất 1/7/2027 áp dụng mức bốn.
Thông số khí thải | Xe môtô, xe gắn máy | ||||
Mức 1 | Mức 2 | Mức 3 | Mức 4 | ||
CO (% thể tích) | 4,5 | 4,5 | 3,5 | 2 | |
HC (ppm thể tích) | Động cơ 4 kỳ | 1.500 | 1.200 | 1.100 | 1.000 |
Động cơ 2 kỳ | 10.000 | 7.800 | 7.000 | 7.000 |
Lý giải việc xây dựng quy chuẩn và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải xe môtô, xe gắn máy, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra các cơ sở pháp lý, thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Về góc độ pháp lý, Việt Nam đang thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là COP26 với tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững. Tháng 11/2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) trình Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Tháng 6/2024, Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định “việc kiểm định đối với xe môtô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải”. Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng quy trình, thủ tục kiểm định khí thải xe máy (Thông tư 47/2024). Bộ Công an quy định xử phạt hành vi không kiểm định khí thải xe máy (Nghị định 168/2024).

Hà Nội có 1,1 triệu ôtô và 6,9 triệu xe máy. Ảnh: Phạm Chiểu
Luật, nghị định, thông tư về kiểm định khí thải đã có, nhưng hiện Việt Nam chỉ có tiêu chuẩn TCVN 6438:2018 quy định các mức giới hạn tối đa cho phép của khí thải xe môtô, xe gắn máy. Tiêu chuẩn này chỉ mang tính khuyến nghị, tự nguyện áp dụng, không phải là căn cứ pháp lý. Mặt khác Việt Nam hiện chỉ có quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp (Quyết định 19/2024), chưa quy định áp dụng quy chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy lưu hành tại Việt Nam.
Từ góc độ thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường dẫn thống kê từ năm 2009 đến 2023, trung bình mỗi năm số phương tiện giao thông cả nước tăng 10-15%. Đến tháng 12/2023, số phương tiện được đăng ký trên toàn quốc là 6,3 triệu ôtô, hơn 74 triệu xe môtô. Phương tiện đường bộ tăng khiến ô nhiễm không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng tăng, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia môi trường cho thấy tỷ lệ đóng góp ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông dao động 20-60%.
Ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5-7 % GDP hàng năm, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới. Còn theo nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã tạo ra thiệt hại kinh tế khoảng 9,86-12,45 tỷ USD vào năm 2013 và tăng lên đáng kể những năm gần đây. Tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày và quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin nhiều quốc gia đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về chính sách môi trường, trong đó tăng cường quản lý phát thải từ phương tiện giao thông cơ giới. Ví dụ các tiêu chuẩn Euro (Euro I-VI) được áp dụng rộng rãi tại châu Âu, ảnh hưởng lớn đến việc thiết kế và sản xuất xe cơ giới cũng như giảm thiểu phát thải từ nguồn giao thông vận tải. Xe môtô, xe gắn máy nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải CO và HC thì phải bảo dưỡng, thay thế phụ tùng hoặc dừng sử dụng.
Nhật Bản tiên phong kiểm soát khí thải xe máy, áp dụng tiêu chuẩn tương tự Euro. Ấn Độ, quốc gia có lượng xe máy lớn nhất thế giới, đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Bharat Stage từ năm 2004. Hay Thái Lan đã kiểm định khí thải xe máy tại Bangkok và 23 thành phố thuộc 17 tỉnh từ năm 1993.

Ô nhiễm không khí khiến cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, Hà Nội mờ mịt. Ảnh: Ngọc Thành
Từ những phân tích trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng ban hành quy chuẩn và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải xe môtô, xe gắn máy lưu hành là biện pháp quan trọng trong bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí. “Mục tiêu lớn nhất, được đặt lên hàng đầu là hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của khí thải phát sinh từ xe môtô, xe gắn máy lên sức khỏe của người dân”, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết.
Việc này cũng nhằm thiết lập cơ sở pháp lý để kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy lưu hành, giảm thiểu và hạn chế phát thải từ phương tiện cơ giới cá nhân, từng bước loại bỏ xe cũ nát, thúc đẩy chuyển đổi phương tiện sạch hơn, góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.
Lý giải đề xuất lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải xe máy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết Hà Nội và TP HCM áp dụng sớm nhất từ năm 2027, tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn địa phương khác do số phương tiện cá nhân lớn, môi trường không khí có dấu hiệu suy giảm, một số thời điểm chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu. Hà Nội trong ba tháng cuối năm 2024 và tháng 1/2025 có nhiều ngày trong một số thời điểm ghi nhận chỉ số AQI ở mức rất xấu (dao động 200-300).
Việc quy định lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm bảo đảm tính khả thi, hạn chế tác động tiêu cực, tạo thời gian chuẩn bị về hạ tầng, pháp lý và truyền thông, đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động thích ứng, chuyển đổi phương tiện theo hướng sạch hơn.
Gia Chính