Khâu nào cũng “tù mù”
Vào thời điểm này, các vườn sầu riêng ở miền Đông Nam bộ và khu vực nam Tây nguyên bắt đầu vào vụ thu hoạch, sau đó đến vùng trọng điểm Đắk Nông, Đắk Lắk. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạ M’ri (Đạ Huoai, Lâm Đồng), cho biết: Năm nay, do xuất khẩu khó khăn nên giá sầu riêng rớt mạnh so với năm trước. Hiện giống Ri6 giá mua xô tại vườn chỉ còn 30.000 – 35.000 đồng/kg, một số vườn đạt tỷ lệ có giá tốt nhất là 40.000 đồng/kg, còn giống Dona có từ 60.000 – 70.000 đồng/kg.

Theo ông Sơn, phương thức mua bán vẫn theo cách truyền thống; thương lái đến khảo sát số lượng, chất lượng rồi báo giá; nhà vườn thấy hợp lý thì bán, không thì thương lượng lại. Sau khi hai bên chốt giá, hẹn ngày thu hoạch, thương lái đến mang hàng về giao lại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Những khâu như kiểm định chất lượng, kiểm định kim loại nặng theo quy định của thị trường là việc của thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu. “Từ trước đến nay, khi mua hàng, thương lái cũng không quan tâm đến giấy tờ, mã số, chất lượng, quy trình canh tác hay chứng nhận an toàn. Nên sau khi hàng ra khỏi vườn thì nhà vườn cũng không biết nó đi đâu về đâu, kết quả kiểm định chất lượng thế nào”, ông Sơn thừa nhận.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hoạt động xuất khẩu sầu riêng của VN vẫn theo phương cách truyền thống: doanh nghiệp phát giá và số lượng cho thương lái. Thương lái thông qua các đầu mối của mình săn tìm các vườn trong khu vực đến lứa thu hoạch để gom hàng. Với cùng một loại hàng, thương lái có thể thu hoạch từ nhiều vườn khác nhau và đưa về cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp lại có nhiều mối lái nên số lượng hàng hóa đến từ nhiều nguồn. Ở các cơ sở đóng gói được cấp mã số, hàng sẽ được xử lý để đưa qua biên giới. Từ đầu năm 2025, các doanh nghiệp làm thêm một bước là chọn một vài mẫu trong lô hàng đưa đến các trung tâm kiểm định chất lượng để “lấy giấy phép” xuất khẩu. Khi đến cửa khẩu, cơ quan chức năng Trung Quốc tái kiểm định 100% lô hàng và chỉ những lô nào đạt chuẩn mới được thông quan, hàng không đạt sẽ bị tiêu hủy (không trả hàng như trước đây).
Các chuyên gia nhận định do cách làm của chúng ta mang tính “đại diện” nên khi phía bạn tái kiểm thì phát hiện vi phạm nhiều. Vì vậy mà vào đầu tháng 4, một số trung tâm kiểm định chịu vạ lây, bị tạm đình chỉ một thời gian. “Doanh nghiệp thu gom hàng từ nhiều vườn nên khi Trung Quốc phát hiện hàng không đạt chuẩn, chúng ta cũng không thể truy xuất nguồn gốc vườn trồng. Chính thực trạng tù mù từ cách làm này khiến kim ngạch xuất khẩu mấy tháng qua lèo tèo vài chục triệu USD. Hàng đến cửa khẩu Trung Quốc không đạt yêu cầu, bị hủy nên doanh nghiệp không dám tham gia thị trường”, một chuyên gia nói.
Chị N.T.T.Thanh, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Đắk Lắk, so sánh: Trong khi sầu riêng Thái Lan đã mở được “luồng xanh” vào thị trường Trung Quốc thì sầu riêng VN vẫn chưa tìm được đường ra, khó khăn rất nhiều. Doanh nghiệp này đang phối hợp với một đơn vị kiểm định có uy tín để theo dõi chất lượng vùng trồng của mình chứ chưa dám mạo hiểm với hoạt động thu mua bên ngoài. Vì thế, từ đầu năm đến giờ, công ty chưa tham gia thị trường vì rủi ro rất lớn và cũng không chắc khi nào sẽ tái khởi động trong khi vụ thu hoạch sầu riêng vùng Tây nguyên đang đến gần.
Sự thờ ơ lạ thường
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), thừa nhận không có số liệu chính thức nhưng tham khảo từ nhiều nguồn cho thấy vào thời điểm hiện tại, lượng sầu riêng VN xuất qua Trung Quốc trót lọt chỉ bằng khoảng 10 – 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 200 – 300 container mỗi ngày. Đáng nói, trong khi hàng VN bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) tái kiểm tại cửa khẩu 100% thì sản phẩm của Thái Lan chỉ bị 30% vì họ tuân thủ quy định thị trường rất tốt. Cũng nhờ vậy mà tuần trước, GACC còn mở “luồng xanh” hoạt động 24/7 cho sầu riêng Thái Lan. “Điều này làm tôi cảm thấy rất sốt ruột khi ngành hàng tỉ USD của mình chưa đạt được bước tiến nào sau gần nửa năm. Đặc biệt là qua tiếp xúc nhiều nhà vườn, doanh nghiệp và thông tin trên báo chí, tôi có cảm giác nhiều khâu trong chuỗi giá trị vẫn còn thờ ơ một cách lạ thường”, ông Mười chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, có một thực tế là ngay chính những người sản xuất ra trái sầu riêng cũng chưa quan tâm đúng mức tới thành quả lao động của mình và chỉ trông chờ vào thương lái. Nhiều nhà vườn khi được hỏi không hề biết gì về chất lượng sản phẩm, liệu có tồn dư kim loại nặng hay không, phân thuốc họ đang dùng có an toàn hay không. Trong khi đó, một mẫu thử dư lượng kim loại nặng chi phí chỉ dao động từ 120.000 – 150.000 đồng. “Sầu riêng là ngành kinh tế có giá trị cao, nhà vườn có thể chủ động mang sản phẩm của mình đi kiểm nghiệm để làm cơ sở thương lượng với mối lái khi bán hàng. Việc này còn giúp họ biết được thực trạng vườn của mình thế nào để chủ động điều chỉnh trong sản xuất những vụ mùa tiếp theo cho an toàn. Chính nhà vườn phải chủ động tự cứu mình, chứ không thể tiếp tục thờ ơ và trông chờ vào thương lái, doanh nghiệp. Dĩ nhiên chỉ có nỗ lực ở một vài khâu là không đủ mà cần phải có sự đồng lòng, chung sức của tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Phải kiểm soát tại nguồn và truy xuất tận vườn mới mang lại hiệu quả bền vững”, ông Nguyễn Văn Mười nhấn mạnh.
Ông Henry Bùi, Giám đốc Trung tâm kiểm định Hoàn Vũ, xác nhận: Một mẫu thử kim loại nặng, cụ thể là kiểm định cadimi tại đơn vị này có chi phí chỉ 150.000 đồng (nhận mẫu tại trung tâm), thời gian trả kết quả từ 3 – 5 ngày. Ngoài ra, trung tâm này cũng có một số dịch vụ hỗ trợ thêm cho khách hàng như cử nhân viên đến nơi nhận mẫu theo yêu cầu, chi phí có thay đổi tùy dịch vụ cụ thể. Nếu so với quy mô một vườn sầu riêng 1 ha thì chi phí mà nhà vườn cần đầu tư cho khâu này là không đáng kể. “Thời gian qua, xuất khẩu sầu riêng của chúng ta đi Trung Quốc không ổn định vì vẫn còn tâm lý đối phó. Chúng tôi đã đồng hành với nhiều mặt hàng nông sản Việt vào thị trường EU và nhận thấy để xuất khẩu bền vững cần phải thay đổi tư duy từ đối phó sang làm thật và bắt đầu từ vùng trồng. Cần có sự gắn kết giữa nhà vườn, doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn kiểm định chất lượng có uy tín”, ông Henry Bùi nói.
Sầu riêng Thái Lan sẵn sàng xuất khẩu
Đây là tựa đề một bài báo của tờ Bangkok Post (Thái Lan) vào cuối tuần trước khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) quyết định tăng cường nhân lực và thời gian kiểm định sầu riêng Thái Lan 24/7. Còn tờ The Nation thì ví thông tin tích cực này như mở “luồng xanh – green lane” cho sầu riêng.
Thái Lan là nước đầu tiên bị Trung Quốc siết kiểm tra dư lượng cadimi và chất vàng O trong sản phẩm sầu riêng nhưng lũy kế đến ngày 20.4, xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc đạt khoảng 71.000 tấn, tương đương kim ngạch 287 triệu USD (gấp khoảng 3 lần VN).