Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục trong khoảng 2-3 ngày đầu, khi hạ sốt có thể là giai đoạn cô đặc máu, sốc nếu chủ quan.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên, trong bối cảnh số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều ca nặng như sốc, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, rối loạn đông máu… ở giai đoạn hạ sốt, ghi nhận ở cả trẻ em và người lớn.
Theo bác sĩ Chính, giai đoạn hạ sốt thường xảy ra từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy của bệnh. Lúc này, nồng độ virus giảm đi song vẫn tấn công cơ thể, làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương, gây cô đặc máu, tụt huyết áp dẫn đến sốc sốt xuất huyết. Mặt khác, virus cũng gây giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu khiến người bệnh dễ xuất huyết ở nhiều cơ quan, nguy cơ tử vong cao.
Các dấu hiệu báo hiệu bệnh trở nặng gồm: mệt mỏi, li bì, tay chân lạnh, đau bụng dữ dội, nôn ói 4-6 lần/giờ, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu… Những biểu hiện này có thể nhầm lẫn với chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu răng thông thường hoặc ngộ độc thực phẩm, vì vậy bệnh nhân thường được khuyến cáo theo dõi sát để nhập viện kịp thời.
“Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra trong 24 giờ sau khi giảm sốt, chăm sóc và điều trị kịp thời trong giai đoạn này có thể giảm tỷ lệ tử vong từ 20% xuống dưới 1%”, bác sĩ Chính nói.

Bệnh nhân người lớn điều trị sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Khánh Hòa
Bác sĩ Chính lưu ý thêm người bệnh sốt xuất huyết nhẹ cũng có thể trở nặng nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách. Các bệnh viện ghi nhận phần lớn ca nặng có một phần nguyên nhân từ việc chăm sóc, điều trị chưa đúng, như: tự mua thuốc uống, tự truyền dịch, kiêng tắm, cạo gió và xông hơi. Việc tự dùng thuốc có thể làm tăng nguy cơ tổn thương cơ quan nội tạng, tạo điều kiện cho mầm bệnh tấn công mạnh hơn. Còn những phương pháp dân gian như kiêng tắm, cạo gió, xông hơi… chưa được chứng minh có tác dụng điều trị bệnh, ngược lại có thể gây xuất huyết, bội nhiễm.
Do đó, người bệnh nên khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tăng tốc độ phục hồi sau bệnh. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, sử dụng thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ, dinh dưỡng khoa học.

Trẻ tiêm vaccine sốt xuất huyết phòng bệnh tại Hệ thống Tiêm chủng VNVC. Ảnh: Mộc Miên
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, lây từ người sang người qua vết đốt của muỗi vằn cái, chủ yếu là . Có 4 type huyết thanh gây bệnh gồm: Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Một người có nguy cơ nhiễm bệnh tới 4 lần.
Bệnh thường tăng mạnh vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, giao thông hạ tầng phát triển, dịch tễ của bệnh thay đổi, lây lan rộng cả về địa lý và xuất hiện quanh năm. Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 100.000 ca mắc sốt xuất huyết và khoảng 100 ca tử vong.
Để , người dân cần diệt muỗi, diệt bọ gậy và tránh muỗi đốt. Gia đình nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng, ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt, sử dụng các biện pháp xua muỗi như kem bôi, đèn hoặc vợt điện.
Bộ Y tế kêu gọi mỗi gia đình dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ bọ gậy trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt, thau rửa… Cụ thể, nước lọ hoa nên được thay thường xuyên, bỏ muối hoặc hóa chất vào các bát nước kê chân chạn, bể cảnh hoặc hòn non bộ; loại bỏ các vật liệu phế thải có thể đọng nước, lật úp các dụng cụ không sử dụng…
Bên cạnh diệt muỗi, vaccine cũng là biện pháp mới, giúp chủ động phòng bệnh. Vaccine Qdenga giúp phòng ngừa bốn type huyết thanh virus sốt xuất huyết gây bệnh, giúp giảm hơn 80% nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện do bệnh tới hơn 90%. Mũi tiêm chỉ định cho người từ 4 tuổi, lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 3 tháng. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm trước khi mang thai ba tháng, tối thiểu một tháng.
Hòa Bình