Vì sao Telegram là nơi yêu thích của tội phạm mạng?

Vì sao Telegram là nơi yêu thích của tội phạm mạng?

bởi

trong

Theo cơ quan chức năng, tại Việt Nam, 68% kênh, nhóm trên Telegram tại Việt Nam là kênh xấu độc. Nền tảng này cũng là công cụ chính trong nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng giá trị trên 1.000 tỉ đồng, hơn 13.000 nạn nhân bị ảnh hưởng và hơn 23 triệu dữ liệu cá nhân bị rao bán công khai.

Đây cũng là tình trạng chung của Telegram trên thế giới, theo WSJ, dữ liệu bị hack, vũ khí, ma túy đang được tội phạm mạng rao bán, trao đổi trên Telegram

Câu hỏi đặt ra là tại sao ứng dụng nhắn tin này lại trở thành “thiên đường đen” của các ổ nhóm?

Từ kênh đến siêu nhóm – điểm hấp dẫn của Telegram

Một cuộc điều tra kéo dài 4 tháng của The New York Times đã phân tích hơn 3,2 triệu tin nhắn từ hơn 16.000 kênh trên Telegram, kết luận nền tảng đã cung cấp các tính năng cho phép tội phạm mạng, lừa đảo, khủng bố tránh được sự giám sát của cơ quan chức năng. Đây là lý do khiến Telegram trở nên hấp dẫn với tội phạm.

Vì sao Telegram là nơi yêu thích của tội phạm mạng?

Một hội nhóm thảo luận về tiền số trên ứng dụng Telegram

ẢNH: KHƯƠNG NHA

Telegram bắt đầu như một dịch vụ nhắn tin thông thường, nhưng đến năm 2014 ứng dụng bùng nổ khắp thế giới khi tích hợp thêm tính năng phát sóng trực tiếp. Người dùng có thể tạo các “kênh” và truyền tải thông điệp mong muốn. 

“Kênh” trở thành công cụ phổ biến bậc nhất của nền tảng để chia sẻ văn bản, hình ảnh, liên kết và video từ một người hoặc tổ chức. 

Sau thành công của “kênh”, Telegram tiếp tục tung ra tính năng “siêu nhóm”, cho phép các tổ chức dễ dàng “tập hợp” và lan tỏa tin tức đến hàng trăm nghìn người cùng lúc. Trong khi WhatsApp và các nền tảng khác giới hạn quy mô cuộc trò chuyện ở con số trăm người đổ lại để kiểm soát thông tin, Telegram làm điều ngược lại. Nền tảng liên tục nâng cấp quy mô nhóm lên đến 200.000 người trong một nhóm chat. 

Ban đầu, các “siêu nhóm” này được ủng hộ bởi cộng đồng tiền điện tử. Mọi người cùng nhau thảo luận về những token mới. Các nhóm xây dựng cộng đồng nhanh chóng nhận ra tiềm năng của Telegram và bắt đầu “vun đắp” từng nhóm riêng với các tiêu chuẩn riêng. Sau đó, tội phạm mạng cũng tìm đến và nhanh chóng xây dựng được những “thành phố tự do”, nơi họ có thể tập hợp, cung cấp thông tin đến hàng trăm nghìn người mà không bị ai kiểm soát. Các cuộc mua bán, trao đổi bất hợp pháp cũng được diễn ra trên đây.

Riêng tư và ẩn danh

Về mặt kỹ thuật, Telegram còn nổi tiếng bởi tính ẩn danh và riêng tư. Người dùng có thể ẩn số điện thoại với mọi người. Tội phạm thường dùng SIM rác để nhận mã code kích hoạt và xóa bỏ dấu vết ngay sau đó.

Ngay từ đầu, nhà sáng lập Telegram Pavel Durov khẳng định ứng dụng không tập trung vào quảng cáo hay kiếm tiền từ dữ liệu người dùng. Các thống kê cho thấy Durov không nói dối. Theo TechShielder, đây là ứng dụng nhắn tin thu thập ít thông tin người dùng nhất, chỉ 18%, so với 70% của Messenger. Telegram lấy danh nghĩa bảo vệ người dùng để theo đuổi triết lý ẩn danh nhưng cũng vô tình trở thành lá chắn an toàn cho tội phạm mạng.

Telegram cũng là một trong những ứng dụng nhắn tin đầu tiên cung cấp tính năng mã hóa đầu cuối, giúp chặn quyền truy cập dữ liệu của bên thứ ba. Ngoài ra ứng dụng còn cung cấp loạt tính năng giúp ẩn danh như “tự hủy tin nhắn, xóa toàn bộ dữ liệu”. Điều này đồng nghĩa dù cơ quan chức năng có được thiết bị cũng khó có thể khôi phục các tin nhắn trong quá khứ. 

Theo giới thiệu của Telegram, dữ liệu người dùng sẽ được lưu trữ trên một hạ tầng phân tán ở nhiều trung tâm trên toàn cầu. Khóa giải mã được băm nhỏ thành nhiều phần và lưu trữ tách riêng với vị trí của dữ liệu mà chúng bảo vệ. Cơ chế này giúp nền tảng tránh bị hack nhưng cũng là vỏ bọc giúp họ tránh được các yêu cầu pháp lý từ cơ quan chức năng.

Sự kết hợp hoàn hảo của tính năng ẩn danh thường thấy trên Dark Web với giao diện dễ dùng trên đa nền tảng, Telegram trở thành thiên đường của tội phạm mạng.

Cơn đau đầu của cơ quan chức năng

Việc hoạt động một cách vô kiểm soát của Telegram khiến ứng dụng này vào tầm ngắm của cơ quan quản lý khắp thế giới. Ngày càng có nhiều quốc gia tuyên bố cấm ứng dụng. Tuy nhiên, ứng dụng vẫn tiếp tục phát triển khi người dùng tìm được nhiều cách lách luật. Trong khi đó cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu thập bằng chứng, truy vết tội phạm. 

Telegram cho biết họ sẽ tiết lộ địa chỉ IP và số điện thoại người dùng nếu nhận được lệnh của tòa án xác nhận tài khoản người dùng là nghi phạm khủng bố. Tuy nhiên trang web chính thức của nền tảng cũng xác nhận điều này chưa bao giờ xảy ra. Khả năng khôi phục dữ liệu cũng là thách thức với các cơ quan thực thi pháp luật khi khối lượng và quy mô hoạt động trên ứng dụng vô cùng lớn, phức tạp. 

Nhiều quốc gia tuyên bố chặn Telegram bằng các biện pháp kỹ thuật như yêu cầu nhà mạng không cung cấp dịch vụ truy cập đến nền tảng. Thậm chí Google, Apple cũng được huy động để ngăn chặn người dùng tải về ứng dụng, tuy nhiên trong thế giới phẳng của internet, người dùng, tội phạm vẫn tìm được nhiều cách để dùng ứng dụng. Điều này càng khiến việc quản lý trở nên phức tạp hơn với cơ quan chức năng.