
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra vẫy tay chào sinh viên đang cầm cờ hai nước khi bà cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đi bộ sang trụ sở Chính phủ ngày 16-5 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giới chuyên gia am hiểu quan hệ Việt Nam – Thái Lan cùng chung nhận định rằng việc nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn.
Cùng nhau đương đầu thử thách
Nghị sĩ Hạ viện Thái Lan Nattapong Pipatchaisiri (Trần Văn Kiều) nhấn mạnh sự gần gũi giữa Việt Nam và Thái Lan khiến quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thậm chí mang tính bắt buộc.
Với quan hệ song phương được nâng tầm, Việt Nam và Thái Lan có thể cùng nhau đương đầu hiệu quả hơn với những thách thức chung của thời đại.
“Chúng ta đều sẽ gặp nhiều khó khăn nếu mỗi nước tìm cách đương đầu một mình. Nếu cùng nhau đàm phán (PV – với Mỹ), chúng ta có thể đặt lên bàn thương thảo số lượng hàng hóa giao thương lớn hơn và đạt được thỏa thuận tốt hơn. Đó là một trong những lý do chính thôi thúc hai chính phủ nâng cấp quan hệ vào thời điểm này” – ông Nattapong nêu.
Nghị sĩ Thái Lan gốc Việt khẳng định điều đầu tiên hai nước cần làm trong thời gian tới là rà soát lại các thỏa thuận thương mại tự do và xem xét từng mặt hàng cụ thể.
“Chúng ta cần trở thành những đối tác thương mại tốt của nhau trước, rồi sau đó mới cùng nhau đàm phán với các quốc gia khác. Như vậy mới thể hiện được sự chân thành giữa hai bên”, ông nhấn mạnh.
Không chỉ kinh tế, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện còn là động lực nâng cao chất lượng sống của người dân hai nước. Là láng giềng gần gũi, hai quốc gia chia sẻ trách nhiệm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trên tinh thần “nhà anh cháy, khói cũng lan sang nhà tôi”.
Nhận thức rõ sự gắn bó ấy, Việt Nam và Thái Lan đang cùng nhau xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng giá trị sản phẩm và hướng đến phát triển bằng nội lực hai nước.
Ông Pipatchaisiri chia sẻ: “Trong tương lai không chỉ tăng trưởng, chúng ta còn phải lột xác sản phẩm của mình. Ví dụ với công nghệ, chúng ta sẽ phải tự phát triển và sử dụng hàng ‘cây nhà lá vườn’. Chúng ta có nguồn nhân lực đủ chất lượng để phát triển, học hỏi và trở nên tốt hơn”.
Trong khi đó, nhà báo Patpon Artie Sabpaithune, nguyên tổng biên tập báo Nation Thailand, nhận định cam kết nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỉ USD sẽ là động lực lớn thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thái Lan.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, các lĩnh vực chủ chốt được kỳ vọng hưởng lợi từ các thay đổi mới là logistics, hóa dầu, năng lượng tái tạo, ngân hàng và bán lẻ.
Đây đều là những lĩnh vực phù hợp với chiến lược trọng tâm được hai nước đề ra là tích hợp chuỗi cung ứng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm.
Nhà báo Thái Lan ghi nhận các doanh nghiệp xứ sở chùa vàng đã có sự hiện diện vững chắc tại Việt Nam.
Việc nâng cấp quan hệ sẽ khuyến khích dòng đầu tư và thương mại tiếp tục gia tăng, đặc biệt là đầu tư của Việt Nam vào Thái Lan, góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương.
Tuy nhiên để hiện thực hóa những tiềm năng trên vẫn cần nỗ lực lớn của cả hai nước. Ông Sabpaithune nhận định: “Để biến tầm nhìn thành hiện thực cần có kỷ luật chiến lược, quyết tâm chính trị và các cơ chế bảo đảm tính liên tục. Việc huy động khu vực tư nhân như một đối tác chiến lược sẽ là yếu tố then chốt để biến tham vọng của hai nước thành kết quả thực tiễn, được dẫn dắt bởi thị trường”.
Thái Lan nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam
Ông Nguyễn Viết Loan – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nam – cho biết việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện cho thấy dù là đảng nào cầm quyền ở Thái Lan cũng đều coi trọng quan hệ với Việt Nam. Đây là một điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để khuôn khổ quan hệ mới không chỉ được hiện thực hóa mà còn tiếp nối trong tương lai dài hạn.
“Họ nhìn thấy tiềm năng, cơ hội của ta, lợi ích từ vị thế chính trị lẫn vai trò thương mại ngày càng tăng của Việt Nam. Cả hai nước đều là những nước đang dẫn đầu tiểu vùng sông Mekong về kinh tế” – ông Loan, từng là nhà ngoại giao về ASEAN, nhận định.
Theo ông Loan, Việt Nam và Thái Lan là hai nền kinh tế hàng đầu khu vực tiểu vùng sông Mekong, có thị trường lớn, sức sản xuất mạnh và nhiều hàng hóa tương đồng nhau. Do đó hoàn toàn có thể bổ trợ nhau, thậm chí phối hợp để tối đa hóa lợi ích chung cho cả hai nước.
Ông Loan cho biết thêm hai nước đang có những sáng kiến rất tốt và thiết thực, được kỳ vọng đem lại lợi ích cho cả hai. Ông lấy ví dụ như với trụ cột thứ hai của khuôn khổ quan hệ mới là Đối tác vì sự phát triển bền vững có việc kết nối giữa các địa phương với nhau.
Việc Thủ tướng Thái Lan thông báo sắp tới sẽ mở đường bay thẳng mới giữa một địa phương Việt Nam với khu vực đông bắc Thái Lan là rất có ý nghĩa. Khu vực này không chỉ tập trung đông bà con người Việt mà còn đang nhận được sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chính phủ Thái Lan.
“Bà con rất trông chờ vào đường bay thẳng này đã từ rất lâu rồi”, ông Loan chia sẻ thêm và cho rằng cũng cần tính đến khía cạnh kinh tế khi mở đường bay, sao cho nó vừa có lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Kỳ vọng hợp tác giáo dục
Nguyên tổng biên tập báo Nation Thailand đặc biệt kỳ vọng hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực giáo dục, nhất là các ngành STEM, cũng như các hoạt động trao đổi nhằm trang bị cho thế hệ trẻ kỹ năng phù hợp trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng.
“Điều này sẽ giúp nguồn nhân lực trở nên cạnh tranh hơn trong một thị trường việc làm ngày càng biến động” – ông Sabpaithune chia sẻ.