
Một cảnh trong video cá heo cứu báo tuyết được yêu thích vì tính cảm xúc và khó tin – Ảnh chụp màn hình
Theo báo cáo ngày 10-7 của tổ chức kiểm chứng Snopes, đầu tháng 7, mạng xã hội lan truyền nhiều video kể lại câu chuyện cảm động về một con cá heo cứu một chú báo tuyết con bị lạc giữa biển băng.
Một trong những video nổi bật có tiêu đề “Bắt gặp cá heo chở báo tuyết lạc giữa biển băng giá” đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem.
Trong đoạn clip, một con cá heo lớn bơi qua làn nước lạnh giá, trên lưng cõng theo một chú báo tuyết nhỏ đang run rẩy.
Video tiếp tục với cảnh đội cứu hộ tiếp cận, đưa cả hai sinh vật lên thuyền. Họ nhẹ nhàng tắm rửa cho chú báo tuyết và gỡ bỏ các con hà bám trên thân cá heo, trước khi thả nó trở lại biển.
Các video với cảnh cá heo chở báo tuyết vượt biển băng thu hút hàng chục triệu lượt xem – Nguồn: Youtube
Một phiên bản khác với cùng tình tiết xuất hiện sau phiên bản đầu không lâu, khiến nghi vấn đây là sản phẩm AI càng thêm rõ ràng – Nguồn: YouTube
Theo xác minh của Snopes, có ít nhất hai phiên bản cùng tình tiết cá heo cứu báo tuyết đã được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng như YouTube, Facebook, Instagram và TikTok kể từ tháng 5.
Cả hai phiên bản video đều bị YouTube gắn nhãn “nội dung đã được chỉnh sửa hoặc tạo bằng công nghệ nhân tạo”, cho thấy đây không phải là cảnh quay thực mà là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI).
Tên của một trong các kênh đăng tải video – “Teddy Gen AI” – càng củng cố điều này, khi trực tiếp gợi ý rằng nội dung được tạo ra bằng công nghệ, không phản ánh hiện tượng thật trong tự nhiên.
Ngoài ra, hai phiên bản video có cùng mô típ nhưng được đăng cách nhau vài tuần, vào ngày 29-5 và 19-6, lại thể hiện nhiều khác biệt rõ rệt về hình ảnh, cho thấy đây khó có thể là một sự việc có thật nếu xét theo logic tự nhiên.
Snopes cũng chỉ ra các mâu thuẫn về môi trường sống giữa hai loài vật trong video. Trong khi một số loài cá heo có thể sống ở vùng nước lạnh như Bắc Cực hay Nam Cực, thì báo tuyết lại là loài đặc hữu của các dãy núi cao như Himalaya, cao nguyên Tây Tạng và vùng núi Trung Á – hoàn toàn cách biệt với môi trường biển.