
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus HCV gây ra, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan. Tổ chức Y tế Thế giới 2024 (WHO) ghi nhận khoảng 58 triệu người toàn cầu đang sống chung với mạn tính, khoảng 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc viêm gan C ước tính khoảng 3,6% dân số, tương đương khoảng 3 triệu người. Phần lớn trong số họ không biết mình mắc bệnh do viêm gan C thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng.
Bệnh có thể tồn tại dưới hai dạng: Viêm gan C cấp tính xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm virus. Khoảng 15-45% trường hợp có thể tự khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị. Còn viêm gan C mạn tính xảy ra khi virus tồn tại trong cơ thể hơn 6 tháng. Khoảng 55-85% người nhiễm sẽ tiến triển thành mạn tính nếu không được điều trị. Viêm gan C mạn tính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Đường lây nhiễm
- Qua đường máu: Truyền máu, dùng chung kim tiêm, dụng cụ chích ma túy, dùng chung dao cạo râu, kim châm cứu, xăm hình, xỏ khuyên không tiệt trùng…
- Từ mẹ sang con: Khoảng 5-6% khả năng lây truyền từ mẹ sang con.
- Qua quan hệ tình dục: Nguy cơ thấp hơn so với HIV, viêm gan B nhưng vẫn có thể xảy ra.
- Viêm gan C không lây qua thức ăn, nước uống, tiếp xúc thông thường như ôm, hôn, bắt tay, dùng chung bát đũa.
Triệu chứng
- Giai đoạn cấp tính: Đa số không có triệu chứng hoặc triệu chứng mờ nhạt như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau hạ sườn phải, vàng da.
- Giai đoạn mạn tính: Tiến triển âm thầm, có thể xuất hiện vàng da, phù, cổ trướng, xuất huyết dưới da,…
- Biến chứng: Xơ gan, suy gan, ung thư gan.
Nguy cơ
Người từng truyền máu, ghép tạng; người nghiện chích ma túy; quan hệ tình dục không an toàn; nhân viên y tế; trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm virus viêm gan C; người xăm hình, xỏ khuyên tại cơ sở không đảm bảo vô khuẩn.
Chẩn đoán
Gồm hai bước là tầm soát kháng thể kháng HCV (anti-HCV) và xét nghiệm tải lượng HCV RNA (PCR).
Ngoài ra có thể làm thêm men gan, siêu âm gan, FibroScan, xét nghiệm chức năng gan.
Điều trị
Hiện nay, viêm gan C có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc kháng virus trực tiếp (DAA), hiệu quả 95-99%, thời gian điều trị 8-12 tuần.
Lưu ý:
- Điều trị cần được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Không tự ý bỏ thuốc hay dùng thuốc khác khi chưa có chỉ định.
Phòng ngừa
Hiện chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C.
Phòng bệnh chủ yếu dựa vào:
- Không dùng chung kim tiêm, dao cạo, bấm móng tay, bàn chải đánh răng.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HCV.
- Nhân viên y tế thực hiện an toàn khi tiếp xúc máu.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.