Viện Pasteur TP.HCM hoàn thành 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin tay chân miệng

Viện Pasteur TP.HCM hoàn thành 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin tay chân miệng

bởi

trong
Viện Pasteur TP.HCM hoàn thành 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin tay chân miệng

Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng đang điều trị tại TP.HCM – Ảnh: Tư liệu

Sáng 22-5, Viện Pasteur TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Về phát triển và ứng dụng vắc xin EV71: tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng“.

Vắc xin trong nghiên cứu có hiệu quả bảo vệ hơn 99%

Tại hội thảo, ThS Lương Chấn Quang, trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đây là nghiên cứu thử nghiệm pha 3, triển khai trong 3 năm, kết thúc vào tháng 11-2024.

Thử nghiệm vắc xin ngừa tay chân miệng EV-A71 của Đài Loan do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện trên hơn 2.700 trẻ, ghi nhận hiệu quả bảo vệ 99,21%, không có ca biến chứng và nhập viện.

ThS Quang khẳng định vắc xin này chỉ ngừa được tay chân miệng do EV71, còn do các tác nhân khác thì không ngừa được. Đây là thử nghiệm lâm sàng thứ 2 mà Viện Pasteur làm trên vắc xin EV71. Cả 2 loại vắc xin Viện Pasteur làm thử nghiệm lâm sàng này đều đã được cấp phép lưu hành tại Đài Loan 2.

Tại hội thảo, đại diện Công ty Enimmune (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết loại vắc xin mới được báo cáo này đã được phát triển và đưa vào thử nghiệm lâm sàng ở nhiều nước châu Á.

“Chúng tôi đã thử nghiệm lâm sàng vắc xin EV71 tại Đài Loan và TP.HCM. Kết quả cho thấy vắc xin an toàn, hiệu quả cao trong phòng ngừa tay chân miệng do chủng vi rút EV71 gây ra”, đại diện công ty nói.

Ông Phan Trọng Lân – viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương – đã chúc mừng Viện Pasteur TP.HCM vì sắp có vắc xin phòng tay chân miệng do chủng EV71 thứ 2 chuẩn bị về đích. Hơn 5 tháng trước, Viện Pasteur TP.HCM cũng báo cáo hoàn thành thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin phòng chống bệnh tay chân miệng do chủng EV71.

“Tay chân miệng là một bệnh khó phòng tránh vì hơn 90% đối tượng mắc bệnh là trẻ nhỏ, nên khó thực hiện những biện pháp phòng chống dịch với các biện pháp 3 sạch, chưa kể 17-23% người mắc bệnh là người lành mang trùng nên dễ lây nhiễm sang trẻ. Do vậy nếu có một loại vắc xin phòng chống bệnh tay chân miệng an toàn, hiệu quả thì sẽ sử dụng rất tốt”, ông Lân cho hay.

Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng

Tại hội thảo, ThS Phan Thị Ngọc Uyên, khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP.HCM, cho biết tính đến ngày 11-5, cả nước có gần 14.600 ca mắc. Tổng số ca mắc có chiều hướng tăng. Bệnh tay chân miệng là một trong 5 loại bệnh truyền nhiễm có số ca mắc và số ca tử vong cao từ năm 2011 đến nay.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), riêng tại TP.HCM, tuần 20 (từ ngày 12 đến 18-5), đã ghi nhận 916 ca mới, tăng hơn 40% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm 2025 đến nay, TP.HCM đã có 6.711 ca tay chân miệng.

Bà Uyên thông tin năm 2003 ca tay chân miệng với chủng EV71 đầu tiên được báo cáo. Chủng EV71 chiếm ưu thế trong các năm có tỉ lệ lây nhiễm cao. Bệnh lưu hành, gặp quanh năm nhưng thường tăng vào tháng 4 – 6 và tháng 9 – 10 khi bắt đầu năm học mới. Bệnh gặp nhiều ở miền Nam với 60-80% tổng số ca bệnh. 97% các ca tay chân miệng ở trẻ dưới 5 tuổi.

Sẽ có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng trong thời gian tới

“Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, nghiên cứu để có thể có được vắc xin đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh tay chân miệng trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay.