
Tôi có những trải nghiệm cay đắng về quá tải bệnh viện.
Cách đây 6 năm, mẹ tôi đột quỵ. Chúng tôi đưa mẹ vào một bệnh viện lớn gần nhà và được xác định là bị xuất huyết não. Khi cấp cứu, mẹ tỉnh táo, bác sĩ hỏi gì đều trả lời đúng. Chụp chiếu kiểm tra thì lượng xuất huyết ít và đã ngừng chảy, nên anh em chúng tôi đều tràn đầy hy vọng, ít hôm nữa mẹ sẽ bình phục, nếu có di chứng liệt sẽ được chăm sóc và trị liệu.
Nhưng hai ngày sau mẹ bắt đầu sốt và suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy. Mẹ chìm vào hôn mê hơn 20 ngày mới tỉnh nhưng không bao giờ nói được nữa, vì đã bị mở khí quản do phải thở máy dài ngày.
Khi mẹ bắt đầu tỉnh, bác sĩ cho xuất viện luôn dù bà vẫn còn sốt và phải thở máy. Chúng tôi xin ở lại nhưng một bác sĩ kéo tôi ra nói nhỏ là nên cho bà ra ngay, vì ở đây bây giờ đang là ổ nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn đa kháng thuốc.
Tiếp đó là những tháng ngày tôi đưa mẹ qua nhiều phòng điều trị tích cực của nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội. Sau hơn một năm cố gắng đến tận cùng, mẹ ra đi. Lỗ mở khí quản không bao giờ đóng lại được vì liên tục tiết nhiều đờm dãi, viêm đường hô hấp triền miên. Mẹ tôi mất không phải vì tai biến mạch máu não, mà mất do nhiễm trùng bệnh viện, nhiễm cùng lúc nhiều vi khuẩn đa kháng thuốc.
Nhiều người quen của tôi cũng có trải nghiệm tương tự, bệnh ban đầu có thể chỉ ở mức thông thường, nhưng vào viện thì nặng thêm hoặc lây nhiễm các bệnh khác.
Nhìn vào cảnh tượng quá tải ở bệnh viện, ta hiểu tại sao như vậy. Tôi gặp ở nhiều nơi cảnh tượng bệnh nhân nặng nằm ken đặc. Hồi sức mà giường nọ cách giường kia vài gang tay. Thậm chí có phòng điều trị tích cực phải kê giường bệnh sát tường, khiến việc chăm sóc xoay trở bệnh nhân rất khó khăn. Dù bệnh viện treo các loại máy lọc không khí, máy khử khuẩn nhưng máy nào lọc nổi không khí đặc quánh do bệnh nhân và người nhà thở ra. Trong môi trường ấy, nhiễm khuẩn bệnh viện gần như là đương nhiên.
Quá tải bệnh viện còn bào mòn sức lực của nhân viên y tế, nên chăm sóc không thể chu đáo, nhiều quy trình kỹ thuật bị cắt xén, dẫn tới tai biến điều trị. Là người trong ngành, tôi nhìn thấy điều này rất rõ.
Từ những năm 2000, tình trạng quá tải bệnh viện ở Hà Nội và TP HCM trở nên trầm trọng. Nguyên nhân đầu tiên là các bệnh viện trung ương vốn xây dựng đã lâu, quy mô nhỏ, không đáp ứng tình hình dân số tăng gấp nhiều lần so với trước. Nguyên nhân tiếp theo là tình trạng yếu kém của y tế cơ sở, nên không giữ chân được người bệnh ở địa phương, tất cả dồn về trung ương. Từ đó giải pháp được đề ra là mở rộng các bệnh viện trung ương, song song với việc nâng cấp y tế cơ sở.
Trong quá khứ, đã có lúc bệnh viện ở Hà Nội cũng quá tải. Các tài liệu để lại cho biết vào những năm 1920, khi bệnh viện Phủ Doãn (Việt Đức bây giờ), bệnh viên công duy nhất của Hà Nội lúc đó, bắt đầu quá tải, người Pháp đã lo xây bệnh viện mới ở rất xa ngoại thành, trên đất làng Bạch Mai, gọi là bệnh viện bảo hộ bản xứ Bạch Mai (Hôpital Indigène du Protectorat a Bạch Mai).
Bệnh viện được thiết kế rất hiện đại so với trình độ thời đó, để đóng vai trò là bệnh viện trung ương. Với sức chứa dự kiến khoảng 1.240 bệnh nhân, bản sơ thảo dự án do kiến trúc sư Charles Christian đưa ra năm 1928 là minh chứng cho tham vọng này. Theo đó, các toà nhà nằm rải rác trên không gian rộng, xen kẽ giữa những vườn cây và nối với nhau bằng hành lang rộng rãi. Khẩu hiệu đặt ra đối với bệnh viện lúc đó là: không gian, khí trời và ánh sáng.
Bệnh viện xây dựng thành nhiều đợt, đến năm 1940 thì hoàn thành, được ca ngợi là cơ sở y tế hiện đại bậc nhất Đông Dương. Sau đó bệnh viện Phủ Doãn chuyển hết về Bạch Mai, chỉ để lại khoa ngoại ở lại. Sau năm 1954, bệnh viện Phủ Doãn đổi tên thành Việt Đức, và bây giờ ta hiểu tại sao Việt Đức chỉ chuyên về ngoại khoa.
Từ những năm 2010, dư luận đã rất hy vọng khi nghe Chính phủ và các bộ bàn về chuyện di dời cơ sở giáo dục và bệnh viện ra ngoại thành, không xây mới bệnh viện trong khu đô thị trung tâm, các bệnh viện mới xây phải cách trung tâm thành phố 25-30 km, phải đặt tại đầu mối giao thông thuận lợi cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận tới điều trị…
Hà Nội đã đưa ra danh sách 13 bệnh viện cần di dời. Mọi việc còn được luật hoá bằng Quyết định số 130/QĐ-TTg (2015), quy định lộ trình đưa các cơ sở giáo dục, bệnh viện ra khỏi nội đô. Người dân càng thêm vui mừng khi hai cơ sở y tế lớn được xây dựng ở Phủ Lý, cách Hà Nội 60 km về phía Nam, nằm ngay cạnh cao tốc Bắc Nam.
Nhưng 10 năm đã trôi qua, hai cơ sở y tế hoành tráng kia xây mãi vẫn chưa xong, để cỏ dại mọc đầy. Còn các bệnh viện trung ương vẫn tiếp tục cơi nới tại chỗ và càng quá tải.
Bệnh viện Việt Đức với diện tích nhỏ hẹp của một cơ sở y tế cho thành phố 10 vạn dân xưa kia nay phải gồng mình lên làm bệnh viện chuyên ngoại khoa cho thành phố 8 triệu dân cùng hàng chục triệu dân của các tỉnh phía Bắc. Các dãy buồng bệnh một tầng thời thuộc địa phải phá đi để xây hai khối nhà cao tầng. Cùng với bệnh viện phụ sản trung ương ở phía đối diện, hai bệnh viện này hút một lượng giao thông lớn, làm quá tải cho hạ tầng nội đô.
Bệnh viện Bạch Mai ngày nào còn là những dãy nhà điều trị thoáng mát nằm giữa vườn cây bây giờ bị nêm chặt các khối nhà mới xây. Với hàng nghìn người nằm viện cùng gần chục nghìn lượt khám mỗi ngày, hoạt động của bệnh viện làm gia tăng áp lực cho giao thông của Hà Nội.
Người dân và xã hội vẫn phải hàng ngày trả giá đắt cho sự quá tải đó. Chúng ta có thể tính được các thiệt hại đó về kinh tế, nhưng về môi trường, về sức khoẻ sẽ khó mà tính nổi. Biết bao nhiêu ca bệnh đã bị kéo dài thời gian nằm viện hay thậm chí không qua khỏi do nhiễm khuẩn bệnh viện, do tai biến y khoa… mà nguyên nhân đến từ sự quá tải.
Công luận không thể không đặt câu hỏi, nếu ngành y quyết tâm di dời các cơ sở y tế ra khỏi nội đô như kế hoạch đã có từ nhiều năm trước, thì tình hình kinh tế xã hội của Hà Nội bây giờ sẽ ra sao. Chắc chắn Thủ đô sẽ có một bầu không khí thoáng đãng và người dân các tỉnh khi về Hà Nội chữa bệnh sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Những cơ hội bị lãng phí ấy, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Chống quá tải bệnh viện không dễ, nhưng khi không muốn thì sẽ tìm lý do, còn muốn thì sẽ tìm giải pháp.
Ở vai của một bác sĩ, cũng là thân nhân người bệnh, tôi hiểu được khát khao của người dân muốn có những cơ sở chữa bệnh rộng rãi, chưa cần sang trọng gì, chỉ cần tràn ngập ánh nắng và gió tự nhiên. Chỉ cần như vậy thôi thì bệnh tật đã lui đi rất nhiều.
Quan Thế Dân