Các tiêu chuẩn về môtô, xe máy điện đóng vai trò định hướng phát triển trong bối cảnh xe máy xăng dần bị hạn chế.
Theo chỉ thị của Thủ tướng ban hành ngày 12/7, Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong vành đai 1 từ ngày 1/7/2026. Đến năm 2028, phạm vi cấm mở rộng ra vành đai 2 và từ năm 2030 là vành đai 3, đồng thời hạn chế cả ôtô chạy xăng dầu.
Trong bối cảnh đó, người tham gia giao thông sẽ cần xem xét chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Việc phát triển phương tiện chạy điện cũng kéo theo nhu cầu xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Theo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đã đưa ra 21 tiêu chuẩn và 12 quy chuẩn áp dụng cho môtô, xe máy điện. Ngoài ra, có 12 tiêu chuẩn về trạm, trụ sạc và thiết bị liên quan đã ban hành, trong khi 20 tiêu chuẩn khác đang được xây dựng, dự kiến ban hành trong năm 2025.
Quy chuẩn và tiêu chuẩn là những quy định về chất lượng, kỹ thuật. Tiêu chuẩn là những khuyến nghị tự nguyện áp dụng, trong khi quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng theo quy định pháp luật.

Sản xuất xe máy điện ICON e: tại nhà máy Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc, ngày 27/3. Ảnh: Đức Huy
Các tiêu chuẩn đối với môtô, xe máy điện được chia thành ba nhóm: tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn thử nghiệm pin, ắc quy và tiêu chuẩn về thiết bị điện trên xe.
Nhóm an toàn gồm 9 tiêu chuẩn như an toàn khi đâm xe vào cột, các đặc tính kỹ thuật an toàn về vận hành xe, điện, hệ thống tích điện nạp lại được, yêu cầu về đầu nối, bộ nối dẫn điện với nguồn cung cấp bên ngoài, mức tiêu hao năng lượng và đặc tính khi xe chạy trên đường.
Đối với pin, ắc quy, việc thử nghiệm phải đáp ứng tiêu chuẩn khác nhau cho hệ thống có công suất lớn (xe hybrid và xe điện nhiên liệu), thiết bị năng lượng cao (xe điện và xe hybrid cắm phích), cùng yêu cầu kỹ thuật về đặc tính an toàn. Các hệ thống ắc quy phải đạt yêu cầu thử nghiệm riêng. Ngoài ra còn có tiêu chuẩn về đặc tính và yêu cầu an toàn của hệ thống pin.
Thiết bị điện trên xe phải đáp ứng tiêu chuẩn về chuyển mạch điện/điện tử (gồm rơle, đèn chớp, thiết bị điện tử), tiêu chuẩn về hệ thống dẫn động điện, hiệu suất năng lượng của hệ thống phanh, hiệu suất năng lượng khi sử dụng băng thử kiểu động cơ.
Trong khi đó, các quy chuẩn hiện hành chủ yếu liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe điện cùng các linh kiện như đèn chiếu sáng, gương chiếu hậu, khung xe, vành xe, lốp hơi, động cơ, ắc quy.

Trạm sạc siêu nhanh của Dat Bike tại quận 3, TP. HCM. Ảnh:Phạm Trung
Đối với trạm sạc, Việt Nam hiện có các tiêu chuẩn về cáp sạc, thiết bị điều khiển và bảo vệ cáp đầu vào dùng cho xe điện, cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp, hệ thống lắp đặt điện hạ áp và hệ thống trạm sạc có dây. Trong năm 2025 sẽ có thêm các tiêu chuẩn mới liên quan đến phích cắm, ổ cắm, đầu nối và ổ nối vào xe điện, hệ thống truyền năng lượng không dây, cùng một số tiêu chuẩn mới cho hệ thống sạc điện có dây.
Cuối tháng 3, trong buổi làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia sau khi hình thành Bộ Khoa học và Công nghệ mới, đã chia sẻ một số định hướng, quan điểm, coi tiêu chuẩn không chỉ là khuôn khổ kỹ thuật mà còn là công cụ định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm, thị trường.
Ông ví tiêu chuẩn như công cụ dẫn đường. “Quốc gia muốn tới đâu phải dùng tiêu chuẩn để dẫn tới đó. Tiêu chuẩn là ‘đỉnh’, là cái phải tiến tới, cần dựa vào tiêu chuẩn quốc tế để ban hành. Trong khi đó, quy chuẩn là ‘sàn’, cần được xây dựng dựa trên thực tiễn Việt Nam”, ông nói.
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, môtô điện là xe cơ giới hai bánh có công suất động cơ điện lớn hơn 4 kW, tốc độ thiết kế lớn hơn 50 km/h. Xe máy điện có công suất động cơ điện không lớn hơn 4 kW và tốc độ thiết kế không quá 50 km/h. |
Trọng Đạt
- Xe máy điện phù hợp với ai?
- TP HCM lên kế hoạch ‘phủ sóng’ trạm sạc xe điện
- Việt Nam có thể học hỏi gì từ các nước về xây trạm sạc xe điện?
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ