Ngày 13.5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo định kỳ về thị trường lương thực thế giới. Theo đó, trong năm 2025 và 2026 Việt Nam sẽ nhập khẩu gạo từ 4 – 4,1 triệu tấn và trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Philippines là 5,5 triệu tấn.

Việt Nam tăng nhập khẩu gạo để phục vụ hoạt động thương mại
ẢNH: CÔNG HÂN
Liên quan đến dự báo này, ông Đỗ Hà Nam giải thích: Khác với các nước khác, Việt Nam nhập khẩu gạo không phải vì thiếu gạo mà chủ yếu để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và một phần để chế biến sản phẩm sau gạo như bún, miến, phở… Nguyên nhân là do những năm qua, Việt Nam chuyển hướng sang gieo trồng gạo chất lượng cao trong khi chế biến cần những sản phẩm gạo giá rẻ, nhiều tinh bột. Đối với xuất khẩu, Việt Nam có lợi thế về giao thông và năng lực của doanh nghiệp đáp ứng được các đơn hàng lớn. Vào những giai đoạn giáp vụ, nguồn cung thiếu hụt cục bộ nên doanh nghiệp tận dụng mối quan hệ và nguồn hàng từ Campuchia. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có mối quan hệ tốt với các thị trường quan trọng đặc biệt là Philippines. Những yếu tố này giúp các doanh nghiệp gạo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thương mại gạo: tăng xuất và tăng nhập. Dù vậy ông Nam lưu ý, báo cáo của USDA có thể chỉ là xu hướng phát triển của thị trường dựa trên số liệu, thực tế thế nào vẫn phải theo dõi thêm.
Ông Nam cũng xác nhận, trong 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu từ Campuchia khoảng 1,1 triệu tấn lúa tương đương 600.000 tấn gạo. Hiện tại, thị trường châu Phi sôi động nhờ nhu cầu cao thì các thị trường quan trọng như Philippines và Trung Quốc vẫn ổn định về nhu cầu và giá cả. Một số dòng gạo thơm như ST của Việt Nam đang thiếu hàng giá tăng cao do nguồn cung hạn chế.