Việt Nam – Thái Lan: Đưa ‘3 kết nối’ vào thực tiễn

Việt Nam – Thái Lan: Đưa ‘3 kết nối’ vào thực tiễn

bởi

trong
Việt Nam – Thái Lan: Đưa ‘3 kết nối’ vào thực tiễn

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra – Ảnh: TTXVN

Ngày 15-5, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là lần đầu tiên bà Paetongtarn Shinawatra thăm Việt Nam trên cương vị thủ tướng, và cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đến Việt Nam sau 11 năm. 

Trọng tâm chuyến thăm là rà soát tiến độ và thúc đẩy chiến lược “3 kết nối” được thông qua vào tháng 11-2022, đồng thời đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 4 nội các chung Việt Nam – Thái Lan.

Hiện thực hóa “3 kết nối”

Chiến lược “3 kết nối” giữa Việt Nam và Thái Lan bao gồm ba trụ cột chính: kết nối chuỗi cung ứng trong các ngành lọc hóa dầu, nông nghiệp và sản xuất máy móc, linh kiện điện tử; kết nối doanh nghiệp và địa phương hai nước; và kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững (Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 và Mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh của Thái Lan).

Ông Piyaphak Sricharoen, vụ trưởng Vụ Đông Á (Bộ Ngoại giao Thái Lan), nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược này và cho rằng các liên kết sẵn có giữa nhiều ngành công nghiệp và địa phương đang tạo thuận lợi cho việc triển khai. 

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng đề xuất đẩy mạnh sự tham gia và phối hợp giữa khu vực công, tư và giới chuyên gia, đồng thời mong muốn sớm thành lập nhóm công tác chung giữa hai nước.

Ông Sanan Angubolkul, chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế so với Thái Lan như cơ cấu dân số trẻ, tình hình chính trị ổn định, quyết tâm chống tham nhũng và nhiều hiệp định thương mại tự do. Ông khuyến nghị doanh nghiệp Thái nên tận dụng cơ hội chi phí sản xuất thấp của Việt Nam, đặc biệt trong ngành chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, thách thức lớn về hạ tầng giao thông vẫn tồn tại. Ông Thong Kulthanwat, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam, chỉ ra rằng hàng hóa Thái Lan khi sang Việt Nam phải chịu thêm phí trung chuyển qua Lào và chưa có đường bay thẳng đến khu vực đông bắc Thái Lan, đòi hỏi việc nâng cấp kết nối hạ tầng giao thông để triển khai hiệu quả chiến lược “3 kết nối”.

Thái Lan - Ảnh 2.

Nguồn: BỘ NGOẠI GIAO – Dữ liệu: THANH HIỀN – Đồ họa: TUẤN ANH

Tăng cường quan hệ đối tác

“Chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ trong thời gian tới, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác thương mại với trọng tâm là nông nghiệp, trái cây và các mặt hàng nông sản nói chung. Thái Lan mong muốn trở thành đối tác lớn của Việt Nam, thay vì là đối thủ thương mại”, nghị sĩ Hạ viện Thái Lan Nattapong Pipatchaisiri (Trần Văn Kiều) nhấn mạnh khi chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Ông cũng cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam, với sự hỗ trợ từ Chính phủ Thái Lan và các doanh nghiệp tài chính nước này. 

“Chuyến thăm này là minh chứng cho thấy toàn bộ hệ thống chính trị và doanh nghiệp Thái Lan rất quan tâm và tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam. Sau chuyến thăm, tôi tin rằng khu vực tư nhân, bao gồm các ngân hàng và tập đoàn tài chính, sẽ khuyến khích doanh nghiệp Thái tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông bày tỏ kỳ vọng.

Ông Võ Hải, tổng thư ký Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan, có chung nhận định: “Việt Nam là thị trường lớn, có hơn 100 triệu dân. Việt Nam cũng có nguồn cung lao động dồi dào. Đây lại là quốc gia ổn định về chính trị. Những yếu tố này khiến các nhà đầu tư lớn ở Thái Lan nhìn Việt Nam như là thị trường ổn nhất trong khu vực để đầu tư”.

Cộng đồng người Thái gốc Việt hy vọng chuyến thăm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kinh doanh giữa hai nước, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua các chính sách ưu đãi về thuế hoặc thủ tục kinh doanh.

Ông Lương Xuân Hòa, phó chủ tịch Tổng hội người Việt toàn Thái Lan, chủ tịch Hội người Việt tỉnh Udon Thani, nhận xét chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh hai nước sắp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1976 – 2026). 

“Hoàng gia Thái Lan chia sẻ với tôi rằng Việt Nam và Thái Lan phải thân thiết với nhau, vì hai nước là láng giềng cùng chung một dòng sông Mekong. Cộng đồng người gốc Việt ở Thái Lan hình thành và phát triển suốt 200 năm, hiện có nhiều đóng góp cho Thái Lan và vẫn giữ bản sắc dân tộc Việt”, ông Hòa khẳng định.

Theo Đại sứ Việt Nam Phạm Việt Hùng, trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa hai nước ngày càng phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu, chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra là dịp quan trọng để đưa mối quan hệ lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn. 

Tại kỳ họp nội các chung, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp mở rộng hợp tác, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỉ USD theo hướng cân bằng và bền vững.

Kiều bào và phát triển kết nối

Kiều bào Việt Nam ở Thái Lan mong muốn được làm thẻ căn cước tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh. Bên cạnh đó, việc phát triển kết nối giao thông đường bộ giữa hai nước cũng được coi là có tiềm năng kinh tế lớn.

Hiện nay xe của Thái Lan được phép sang Lào nhưng không được đi vào Việt Nam, khiến hành khách và hàng hóa phải đổi xe khi đến biên giới. Nếu xe Thái Lan được phép nhập cảnh và lưu thông ở Việt Nam sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho vận tải hàng hóa và du lịch giữa hai nước, đặc biệt khi “buổi sáng khởi hành từ Thái Lan thì chiều đã có thể đến Việt Nam”, theo ông Lương Xuân Hòa.