Thông tin trên được ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ của NCA, chia sẻ tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế Vietnam Security Summit 2025 diễn ra ở TP.HCM, hôm 23.5. Theo ông Sơn, hơn 46,15% cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công mạng ít nhất một lần trong năm 2024.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ của NCA, chia sẻ tại sự kiện Vietnam Security Summit 2025, hôm 23.5
Ảnh: K.N
Trong khi đó, thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết mỗi năm có hàng chục nghìn hệ thống thông tin trọng yếu tại Việt Nam bị tấn công, đánh cắp dữ liệu, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và an ninh quốc gia. Bảo vệ dữ liệu và hệ thống thông tin hiện nay không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật, mà là trách nhiệm cấp bách và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Theo thiếu tướng Lê Minh Mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, kéo theo hàng loạt công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây… tạo ra giá trị to lớn cho nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, tiến trình này cũng đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng về an ninh mạng và an toàn dữ liệu số.
Các chuyên gia dự báo đến năm 2025, an ninh mạng sẽ tiếp tục là thách thức toàn cầu với nhiều hình thái tấn công tinh vi hơn. Trong đó, tội phạm mạng được dự đoán sẽ khai thác tối đa sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để tạo ra các nội dung giả mạo như giọng nói, video (deepfake) nhằm mục đích lừa đảo hoặc xâm nhập hệ thống. Các thiết bị IoT và nền tảng blockchain cũng sẽ trở thành mục tiêu chính do những lỗ hổng bảo mật vẫn còn tồn tại.
Nhân sự – lỗ hổng lớn của an ninh mạng Việt Nam
Theo Trưởng ban Công nghệ của NCA, một trong những thách thức lớn nhất của an ninh mạng Việt Nam hiện nay là thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Ông Sơn dự đoán trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 700.000 nhân sự chuyên trách về an ninh mạng. Khoảng 56% doanh nghiệp tại Việt Nam không có đủ nhân lực về an ninh mạng, an toàn thông tin.
“Thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng sẽ dẫn đến gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ tấn công mạng. Phản ứng với sự cố chậm, thiếu hiệu quả. Doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong việc vận hành số”, ông Vũ Ngọc Sơn nhận định.
Đại diện NCA nhận định nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lỗ hổng nhân sự là chất lượng đào tạo đang chưa theo kịp nhu cầu thị trường. Số lượng trường đào tạo CNTT và an ninh mạng nhiều nhưng đầu ra không đảm bảo, nhân sự có thể đáp ứng được yêu cầu không nhiều. Nhiều sinh viên thiếu kỹ năng thực hành.

Khách tham quan một gian hàng trưng bày giải pháp bảo vệ an ninh mạng tại sự kiện Vietnam Security Summit 2025 hôm 23.5
ẢNH: KHƯƠNG NHA
“Ngoài ra nhiều chuyên gia an ninh mạng Việt Nam bị các công ty nước ngoài thu hút với chế độ đãi ngộ cao, nhiều cơ hội phát triển cũng dẫn đến chảy máu chất xám”, ông Sơn chỉ ra.
Dựa trên kinh nghiệm thực tế và quan sát từ quốc tế, ông Sơn đề xuất đổi mới đào tạo, tăng cường giáo dục thực chiến, bắt buộc thực tập các tình huống mô phỏng tấn công; hợp tác giữa viện nghiên cứu – trường học – doanh nghiệp; đào tạo AI, đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho kỹ sư công nghệ thông tin thành nghề sử dụng AI để vận hành hệ thống an ninh mạng.
Trong khi đó, thiếu tướng Nguyễn Tùng Hưng, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), cho biết trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có Nghị quyết 57, xác định rõ quan điểm: Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, an ninh mạng, an ninh dữ liệu và an toàn thông tin phải là yêu cầu xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình phát triển công nghệ và chuyển đổi số.
Thiếu tướng Nguyễn Tùng Hưng nhận định, việc xây dựng niềm tin số cần được xem là quá trình tăng cường “sức đề kháng” cho mỗi cá nhân trên không gian mạng. Tri thức, kỹ năng và nhận thức về an toàn thông tin chính là “vaccine” giúp người dân phân biệt đúng – sai, chủ động bảo vệ bản thân và đóng góp vào mục tiêu bảo vệ chủ quyền số quốc gia.