Việt Nam xếp thứ hai Đông Nam Á về lượng tên miền quốc gia

Việt Nam xếp thứ hai Đông Nam Á về lượng tên miền quốc gia

bởi

trong

Internet Việt Nam tới nay đã có 27 năm phát triển và liên tục đạt nhiều bước tiến đáng kể, từ việc phát triển tên miền quốc gia “.vn” đến triển khai rộng rãi IPv6 và đảm bảo an toàn hệ thống DNS. Chia sẻ tại Diễn đàn Tên miền và Máy chủ tên miền châu Á – Thái Bình Dương (APAC DNS Forum 2025) diễn ra sáng 8.5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Thắng – Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết Việt Nam hiện xếp thứ hai ASEAN về lượng tên miền “.vn”, với hơn 660.000 tên miền đang hoạt động.

Qua quá trình quản lý tên miền quốc gia “.vn” (cấp cao nhất), thúc đẩy tiêu chuẩn an toàn DNSSEC, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang IPv6 và củng cố hệ thống máy chủ tên miền và trạm trung chuyển internet quốc gia, đến nay Việt Nam đã thiết lập được một cơ sở hạ tầng internet được công nhận là an toàn và đáng tin cậy.

Việt Nam xếp thứ hai Đông Nam Á về lượng tên miền quốc gia

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC đánh giá Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về internet

Ảnh: Anh Quân

Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong top 10 toàn cầu về tỷ lệ người dùng truy cập internet qua IPv6 (hơn 65%).

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – ông Bùi Hoàng Phương khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số, làm nền tảng cho chuyển đổi số. “Việc quản lý đảm bảo an toàn, tin cậy hệ thống DNS quốc gia, phát triển phổ cập tên miền quốc gia ‘.vn’ để phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Lãnh đạo Bộ cũng bày tỏ Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc phát triển một xã hội internet cởi mở, an toàn.

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), trên thế giới đã có gần 6 tỉ người kết nối internet. Trong khi đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương có gần 66% dân số truy cập internet (báo cáo năm 2024) và con số này không ngừng tăng. 

Chủ tịch Tổ chức Quản lý tên miền và số quốc tế (ICANN) – ông Kurtis Lindqvist đánh giá, châu Á – Thái Bình Dương là trung tâm năng động, đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển internet toàn cầu. “Internet là một công cụ quyền năng để thúc đẩy hòa bình, tăng trưởng, thịnh vượng cũng như sự hiểu biết giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ”, ông Kurtis phát biểu tại sự kiện.