Việt Nam và Pháp ra tuyên bố chung, nhấn mạnh cần đạt nền hòa bình “công bằng, bền vững” ở Ukraine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước ở Trung Đông.
Tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao công bố hôm nay, nhân dịp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm cấp nhà nước tới Việt Nam ngày 25-27/5 theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác tin cậy giữa Việt Nam và Pháp nhằm tăng cường độc lập, tự chủ và sự phát triển của mỗi bên.
Việt Nam và Pháp duy trì cam kết chung trong thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định quốc tế, ủng hộ nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các quốc gia và kiên quyết phản đối mọi hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế.

Tổng thống Pháp Macron và Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hà Nội ngày 26/5. Ảnh: Giang Huy
Tổng thống Macron đã trình bày những nỗ lực của Pháp nhằm sớm đạt được ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện tại Ukraine. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả quốc gia.
Việt – Pháp mong muốn hòa bình và ổn định an ninh được thiết lập tại Trung Đông, kêu gọi tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột đang diễn ra tại Dải Gaza, với điều kiện tiên quyết là đạt được một lệnh ngừng bắn bền vững. Các lãnh đạo ủng hộ giải pháp hai nhà nước, vì đây là giải pháp duy nhất đáp ứng được nguyện vọng chính đáng về hòa bình và an ninh của cả người dân Palestine và Israel.
Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không không bị cản trở, cũng như quyền đi lại vô hại trên Biển Đông và trên thế giới, kêu gọi các nước thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ nỗ lực nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Hai bên sẽ phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng, củng cố hợp tác phòng, chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép và đưa người di cư bất hợp pháp, cũng như hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ an ninh dân sự, thúc đẩy môi trường thương mại quốc tế.
Pháp nhất trí hỗ trợ Việt Nam thực thi khung pháp lý chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), triển khai hệ thống kiểm tra và giám sát nghề cá chặt chẽ và hiệu quả, phù hợp với quy định của châu Âu và quốc tế đang hiện hành.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Phủ Chủ tịch ngày 26/5. Ảnh: Giang Huy
Về nỗ lực chuyển đổi dần khỏi nhiên liệu hóa thạch, Pháp hoan nghênh các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và phấn đấu đến năm 2050 không sử dụng than để phát điện. Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu đó của Việt Nam, nhất là trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP).
Hai bên cam kết thúc đẩy các hoạt động trao đổi giữa nhân dân hai nước, thông qua việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đại học, nông nghiệp và môi trường, khoa học và đổi mới sáng tạo. Pháp khuyến khích Việt Nam tham gia vào các sáng kiến, chương trình hành động về trí tuệ nhân tạo (AI) của Pháp và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Các lãnh đạo nhất trí tiếp tục phát triển các chương trình đại học Việt – Pháp được triển khai tại Việt Nam, nhằm đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao và hợp tác phát triển các công nghệ mũi nhọn.
Nguyễn Tiến