Mặc dù thời gian tổ chức cuộc thi viết hạn hẹp, gần 2 tháng, song Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 400 bài viết và chọn lọc được 42 bài viết hay, xuất sắc vào vòng chung khảo. Tại lễ trao giải, có 17 giải thưởng được công bố.
Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết: Các tác giả tham dự tuy có sự đa dạng về độ tuổi, về nghề nghiệp lẫn cách nhìn… nhưng lại có một điểm chung – đó là tình cảm, tình yêu đối với ngành điện, với những người thợ điện. Điện đã giúp thắp lên hy vọng, ước mơ, hoài bão cho bao thế hệ mà không ít trong số đó nay đã trưởng thành, đã làm ông bà, cha mẹ. Song với họ, “một thời đèn dầu, một thời điện sáng” vẫn là những kỷ niệm không thể phai nhòa. “Có thể nói, hiếm có hàng hóa, dịch vụ nào gắn bó mật thiết với đời sống của người dân như điện và cũng hiếm có hàng hóa, dịch vụ nào “bảo chứng, bảo đảm” cho sự phát triển của đời sống người dân, sự thay đổi, tăng trưởng kinh tế đất nước như điện”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.

Cuộc thi thu hút lượng lớn bạn đọc tham gia viết bài
ẢNH: NHẬT THỊNH

Các tác giả đoạt giải giao lưu tại lễ tổng kết trao giải thưởng
ẢNH: NHẬT THỊNH

Các tác giả đoạt giải chụp hình lưu niệm với ban tổ chức cuộc thi
ẢNH: NHẬT THỊNH
Nhà thơ Lê Minh Quốc, thành viên Ban giám khảo, chia sẻ trong quá trình đọc chấm giải, nhiều lần ông dừng lại vì xúc động khi đọc những dòng viết mộc mạc, tình cảm của bạn đọc. Đó là sự cống hiến hy sinh hết mình của các anh chị công nhân, kỹ sư ngành điện, được miêu tả qua từng trang viết, câu chữ bình dị, họ gian khổ vô cùng.
Ngược dòng thời gian 50 năm trước, ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), cho biết ngày 1.5.1975, Tiểu ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định chính thức tiếp quản Công ty Điện lực Việt Nam (viết tắt CĐV) của chính quyền Sài Gòn. Tròn 50 năm xây dựng và trưởng thành, từ con số 2,5% số hộ dân có điện vào những ngày đầu tiếp quản, đến cuối năm 2024, EVNSPC đã cung cấp điện đến 100% số xã, phường, thị trấn và 99,9% số hộ dân có điện trên địa bàn quản lý. Từ sản lượng điện thương phẩm ban đầu chỉ khoảng 930 triệu kWh/năm thì đến năm 2024 đạt đến con số 93,178 tỉ kWh, và dự kiến năm 2025 đạt 101,850 tỉ kWh. Bên cạnh đó, EVNSPC còn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bán điện đến 5/12 huyện đảo của cả nước, trong đó có quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo đất nước. Đã có những công trình, dự án mang tính biểu tượng của ngành điện miền Nam như: Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc – tuyến cáp ngầm biển dài nhất Đông Nam Á; Đường dây 220 kV Kiên Bình – Phú Quốc – đường dây vượt biển trên không cũng dài nhất Đông Nam Á…
Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của rất nhiều bạn đọc từ khắp mọi miền đất nước, có tác giả cao tuổi nhất 83 tuổi cũng viết bài dự thi. Điều này cho thấy sự quan tâm của người dân, khách hàng sử dụng điện đối với ngành điện miền Nam nói chung, EVNSPC nói riêng là rất lớn. Đó cũng là động lực, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để tổng công ty hôm nay và mai sau nỗ lực nhiều hơn nữa trên hành trình thực hiện sứ mệnh “điện đi trước một bước”, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Các bài viết và tác giả đoạt giải cuộc thi viết “50 năm thắp sáng niềm tin”
Giải nhất: Bài viết Xóm tôi có điện của tác giả Trương Tiến Du.
Giải nhì: Bài viết Sáng rồi, sáng như hòa bình vậy của tác giả Nguyễn Trần Thanh Trúc; Từ cột điện gỗ đến mạng cáp quang, hành trình bền bỉ của “ánh sáng” của tác giả Lê Thành Nhân.
Giải ba: Bài viết Ấn tượng với người giữ gìn “ký ức” ngành điện của tác giả Đỗ Thị Thanh Tuyền; Ước mơ thoát nghèo từ ánh điện nơi đất khách quê người và chiếc máy tính cũ, tác giả Vũ Ngọc Uyên; Đưa điện quốc gia vượt sông Hậu, “sự kiện chấn động cù lao”, tác giả Cao Xuân Lương.
Giải khuyến khích: Bài viết Tự hào lớn lên trên vùng đất có thủy điện lớn đầu tiên ở miền Nam của tác giả Phan Khương; Hành trình mang ánh điện từ đất liền đến hải đảo Trường Sa, tác giả Nguyễn Lan Anh; Ngày xưa chẳng ai dám mơ ngày cồn Ốc có điện, tác giả Lê Minh Chánh; Làng bột đổi đời nhờ điện lưới quốc gia, tác giả Nguyễn Hữu Nhân; Miệt mài “con nhện” giăng tơ, tác giả Khoa Phạm; 10 năm trước ở Phú Quốc, nước đá và điện là những mặt hàng xa xỉ, tác giả Trần Văn Tám; 50 năm: Điện đốt đủ đầy!, tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy; Một thời đèn dầu, một thời điện sáng, tác giả Trần Thị Phương; Gai góc trên những tuyến đường mới mở, tác giả Lê Văn Tám; Thắp sáng điện lên Trường Sa, tác giả Trần Quang Quý.
Giải bài viết truyền cảm hứng: Bài viết Nhớ anh, người mang ánh sáng đến Bom Bo của tác giả Mai Thị Xí.