Vinspeed không đề xuất cơ chế đặc thù về huy động vốn

Vinspeed không đề xuất cơ chế đặc thù về huy động vốn

bởi

trong

Ngân hàng Nhà nước vừa gửi Bộ Xây dựng ý kiến liên quan đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Tại Công văn số 01/2025/VSP ngày 6.5, Công ty Vinspeed đề xuất nguồn vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam bằng nguồn vốn tự thu xếp 20% tổng mức đầu tư từ nguồn tự có và huy động hợp pháp khác, 80% tổng mức đầu tư vay Nhà nước.

Vinspeed không đề xuất cơ chế đặc thù về huy động vốn

Hình minh họa: đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ là công trình tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đề xuất của Vinspeed chưa rõ về nhu cầu, kế hoạch, cơ cấu nguồn vốn huy động cụ thể (vay các tổ chức tín dụng, vay nước ngoài, phát hành trái phiếu…) để triển khai dự án. Đồng thời, doanh nghiệp không đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể đối với ngân hàng.

Điều 136 luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định về giới hạn cấp tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rà soát, xét thấy, trường hợp vay vốn các tổ chức tín dụng trong nước, Vinspeed được xác định là người có liên quan của Tập đoàn Vingroup.

Theo đó, tổng dư nợ cấp tín dụng của Tập đoàn Vingroup và người có liên quan (bao gồm dư nợ cấp tín dụng cho dự án của Vinspeed) tại các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo quy định nêu trên.

Theo Công văn số 01/2025/VSP, chưa có đủ thông tin để Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá về đề xuất chính sách tổng dư nợ vay của dự án không tính vào tổng dư nợ vay của Tập đoàn Vingroup theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng như ý kiến của Bộ Tài chính.

Trường hợp việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam cần có cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành, thì cần cấp có thẩm quyền (Quốc hội…) xem xét quyết định ban hành cơ chế để thực hiện.

Đề nghị bổ sung bảo lãnh của Chính phủ với khoản vay của Vinspeed

Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, theo báo cáo tài chính, tính đến 31.3, Tập đoàn Vingroup có tổng tài sản 823.270 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 157.453 tỉ đồng và nợ phải trả là 665.818 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 4,23 lần, cho thấy hoạt động của Vingroup phụ thuộc chủ yếu bằng vốn vay.

Vinspeed không đề xuất cơ chế đặc thù về huy động vốn- Ảnh 2.

Vinspeed đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỉ đồng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Công ty Vinspeed đề xuất tự thu xếp nguồn vốn 20% tổng mức đầu tư, tương đương khoảng 312.330 tỉ đồng, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Vingroup.

Đến 31.3, Tập đoàn Vingroup và 101 công ty liên quan (theo danh sách khai thác chưa đầy đủ) có tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng là 117.058 tỉ đồng. Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên (Vinpearl, VinFast, Vinhomes) có dư nợ vay nước ngoài khoảng 2,41 tỉ USD.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là dự án đặc biệt quan trọng, công nghệ phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, vượt quá khả năng thẩm định của các tổ chức tín dụng.

Do vậy, trường hợp báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung nội dung về cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay trong nước tương tự như các dự án quan trọng quốc gia trước đây từng được áp dụng để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Trường hợp Vinspeed vay vốn nước ngoài với giá trị lớn và tập trung vào một thời điểm, theo Ngân hàng Nhà nước, có thể ảnh hưởng tới hạn mức vay nước ngoài tự vay tự trả nói riêng và tỷ lệ an toàn nợ nước ngoài quốc gia nói chung.

Do đó, Vinspeed cần xây dựng các phương án cụ thể về kế hoạch huy động vốn nước ngoài (thời gian dự kiến, số tiền vay dự kiến nếu có) để báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, đánh giá, xây dựng phương án phù hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, tại Thông báo 230/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam của Công ty Vinspeed, Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá và góp ý hoàn thiện đối với chính sách tổng dư nợ vay của dự án không tính vào tổng dư nợ các khoản vay của Tập đoàn Vingroup theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng như ý kiến của Bộ Tài chính.

Chiều tối 20.5, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu các đề xuất của Công ty Vinspeed, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Theo đề xuất của Vinspeed, công ty này sẽ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỉ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Trong đó, Vinspeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312.330 tỉ đồng (khoảng 12,27 tỉ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), Vinspeed đề xuất vay vốn nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.