VM Volvo All-Star: Từ chuẩn thành tích tới tham vọng nhãn World Athletics

VM Volvo All-Star: Từ chuẩn thành tích tới tham vọng nhãn World Athletics

bởi

trong

Giải marathon đầu tiên áp chuẩn đầu vào có thể là bước ngoặt để các giải Việt Nam hướng tới nhãn của Liên đoàn điền kinh thế giới (WA).

Sáng 20/4, 2000 VĐV tranh tài tại VnExpress Marathon (VM) Volvo All-Star trên cung đường Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), đánh dấu lần đầu tại Việt Nam, một giải marathon áp dụng chuẩn thành tích đầu vào. Để tham gia cự ly 42km, VĐV nam phải hoàn thành dưới 4 giờ (sub4) và nữ dưới 5 giờ (sub5) trong vòng 12 tháng. Đối với cự ly 21km, nam phải đạt sub2 và nữ là sub2:30.

Bước đi này được coi là cột mốc, thể hiện . Nếu trước đây, các giải marathon trong nước chủ yếu tập trung mở rộng số lượng người tham dự, thì nay, VM Volvo All-Star hướng đến tiêu chí chọn lọc dựa trên năng lực thực thụ. “Áp chuẩn đầu vào sẽ thúc đẩy runner khai phá bản thân, mở ra tiềm năng phát triển của phong trào cả nước”, nhà vô địch SEA Games Nguyễn Văn Lai nói.





VM Volvo All-Star: Từ chuẩn thành tích tới tham vọng nhãn World Athletics

“Lão tướng” Nguyễn Văn Lai chinh phục đường chạy VM Volvo All-Star sáng 20/4. Ảnh: VnExpress Marathon

Không chỉ dừng ở việc siết chuẩn đầu vào, ban tổ chức đặt ra mục tiêu xa hơn: hướng tới việc xin gắn nhãn của Liên đoàn điền kinh thế giới (WA) – tổ chức quyền lực nhất thế giới trong lĩnh vực chạy bộ.

Vì sao nhãn WA đặc biệt

Trong hệ thống marathon toàn cầu, một giải đấu được WA cấp nhãn là minh chứng cho chất lượng quốc tế, từ khâu tổ chức, đảm bảo an toàn, đến thành tích VĐV. Hiện, nhãn WA được chia làm 3 cấp: Label cơ bản, Elite Label và Elite Platinum Label. Với VM Volvo All-Star, mục tiêu đầu tiên được xác định là đạt Label cơ bản – ngưỡng cần thiết để marathon Việt Nam bước ra sân chơi khu vực và thế giới.

Theo yêu cầu của WA, để được gán nhãn, một giải đấu phải đảm bảo nhiều tiêu chí: cung đường đo đạc chuẩn AIMS (Hiệp hội Đo lường Marathon Quốc tế), chip timing đạt chuẩn quốc tế, hệ thống cứu hộ y tế hoàn chỉnh, kiểm soát doping và thu hút một lượng VĐV quốc tế có thành tích cao.

Bên cạnh đó, giải cần duy trì tổ chức ổn định liên tục trong ít nhất hai đến ba năm, đồng thời chứng minh năng lực vận hành chuyên nghiệp và minh bạch.

VM Volvo All-Star đã đáp ứng một số tiêu chí trong danh sách này ngay từ mùa đầu tiên tổ chức. Cung đường đã đo chuẩn theo AIMS, chip timing sử dụng công nghệ quốc tế, đảm bảo ghi nhận thời gian thi đấu chính xác. Hệ thống bàn tiếp nước bố trí khoa học, toàn bộ ở phía tay phải VĐV, theo đúng khuyến cáo vận hành quốc tế. Quy trình cứu hộ, y tế được xây dựng với sự tham khảo từ các giải marathon cấp nhãn khu vực.

Đường chạy Hòa Lạc – điểm tựa cho tham vọng quốc tế

Chọn Khu công nghệ cao Hòa Lạc làm địa điểm tổ chức dài hạn là bước chuẩn bị chiến lược của VM Volvo All-Star. Cung đường ở đây được đánh giá lý tưởng: thẳng, rộng, bằng phẳng, ít góc cua gắt và chênh lệch độ cao nhỏ. Yếu tố này không chỉ giúp VĐV duy trì tốc độ đều mà còn thuận lợi cho việc đo chuẩn cung đường theo quy định của AIMS.

Ngoài ra, khu vực Hòa Lạc có mật độ giao thông thấp hơn hẳn so với nội đô Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phong tỏa đường chạy, đảm bảo an toàn thi đấu – một trong những yêu cầu khắt khe từ World Athletics.

Hệ thống hạ tầng đồng bộ, từ y tế, cứu hộ, đến hậu cần, cũng giúp giải đấu đáp ứng những tiêu chí kỹ thuật quốc tế ngay từ mùa đầu tiên.

“Cơ sở hạ tầng, hệ thống đường, an ninh và dịch vụ hậu cần tại Hòa Lạc được đầu tư đồng bộ. Điều này giúp công tác hỗ trợ y tế, tiếp nước, cứu hộ vận hành hiệu quả hơn, phù hợp yêu cầu khắt khe từ WA về an toàn giải đấu”, ban tổ chức đánh giá.





Kenedy Njogu Muhia (Kenya) thi đấu trên cung đường được khóa hoàn toàn. Ảnh: VM

Kenedy Njogu Muhia (Kenya) thi đấu trên cung đường được khóa hoàn toàn. Ảnh: VnExpress Marathon

Chặng đường dài để chạy bộ Việt Nam vươn tầm

Việc được WA cấp nhãn không thể chỉ trông đợi vào một mùa giải suôn sẻ. Theo ban tổ chức, đó là quá trình liên tục hoàn thiện và giữ chất lượng ổn định trong ít nhất hai đến ba năm.

“Sự công nhận từ WA không chỉ là bước tiến của riêng hệ thống VnExpress Marathon mà còn góp phần tạo thêm cơ hội cho vận động viên Việt Nam”, ban tổ chức chia sẻ.

Nếu VM Volvo All-Star được gán nhãn, vận động viên trong nước sẽ bớt rào cản khi muốn ghi danh ở tầm quốc tế. Thay vì tốn kém chi phí thi đấu nước ngoài để săn chuẩn Olympic hay vô địch châu Á, họ có thể thi đấu và đạt chuẩn ngay tại sân nhà.

Việc giải đấu đạt nhãn WA cũng giúp hút thêm vận động viên elite quốc tế. Ngay trong mùa đầu tiên, chân chạy Kenedy Njogu Muhia (Kenya) đã hoàn thành 42 km với thời gian 2 giờ 16 phút 55 giây – thành tích nằm trong nhóm tốt nhất từng ghi nhận tại các giải marathon ở Việt Nam.

Sự hiện diện của những vận động viên đỉnh cao không chỉ nâng chất lượng chuyên môn mà còn tạo cơ hội cọ xát, học hỏi cho runner Việt Nam, từ phong trào, bán chuyên đến chuyên nghiệp.

Để được gán nhãn WA, phía trước VM Volvo All-Star là hành trình dài, đòi hỏi sự bền bỉ nhiều năm. Nhưng bước đi tiên phong với chuẩn thành tích đầu vào và khâu tổ chức bài bản cho thấy marathon Việt Nam hoàn toàn có thể có những giải đấu khác biệt, đủ sức vươn tầm quốc tế.

Lan Anh





VM Volvo All-Star: Từ chuẩn thành tích tới tham vọng nhãn World Athletics - 2