Voi rừng bám theo người đã cứu mình… để cảm ơn

Voi rừng bám theo người đã cứu mình… để cảm ơn

bởi

trong

Voi bám theo người để trả ơn

Ngày 16/5, Tổ chức động vật châu Á phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng (Trung tâm bảo tồn voi) Đắk Lắk và Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phúc lợi động vật trong hoạt động giải trí – Câu chuyện voi nuôi nhốt”.

Chia sẻ câu chuyện về chú voi Gold được cứu sống 9 năm trước, ông Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết chú voi rừng đã được cứu thành công và đang được nuôi dưỡng tại trung tâm.

Voi rừng bám theo người đã cứu mình… để cảm ơn

Voi Gold bám theo người đã cứu mình như để bày tỏ sự biết ơn (Ảnh: Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk).

Ông Chung kể, ngày 28/3/2018, Trung tâm bảo tồn voi nhận được tin báo có con voi rừng khoảng 2 tháng tuổi bị rơi xuống giếng trong rẫy ở huyện Ea Súp.

Lực lượng của trung tâm nhanh chóng lên đường, phối hợp và đưa được chú voi lên mặt đất an toàn. Thời điểm này, sức khỏe voi con khá yếu, chưa ăn được thức ăn tự nhiên nên cán bộ của Trung tâm bảo tồn voi đã mua sữa, pha cho voi con uống.

“Quá trình chăm sóc, sức khỏe của voi tốt lên trông thấy. Do đây là voi hoang dã, do đó chúng tôi cũng tìm cách lần theo dấu vết của voi mẹ để trả lại con. Khi thấy đàn voi rừng, dù đã đưa voi con lại gần đàn nhưng chú voi nhỏ nhất quyết chạy theo người đã cứu và cho uống sữa mà không chịu về rừng”, ông Chung nhớ lại.

Voi rừng bám theo người đã cứu mình... để cảm ơn - 2

Voi Gold được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (Ảnh: Hoàng Gia).

Sau đó, chú voi con đã được đưa về Trung tâm bảo tồn voi để chăm sóc và được đặt tên Gold vì nhiều người ví chú voi quý như vàng.

“Voi Gold đã được 9 tuổi, nặng hơn 1 tấn, rất thông minh, tinh nghịch. Vào ngày 28/3 hàng năm, trung tâm tổ chức sinh nhật cho voi để nhớ về kỷ niệm đã cứu và đưa voi về”, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nói.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Công Chung đã trình bày về thực trạng bảo tồn voi tại địa phương, những thách thức trong công tác cứu hộ, chăm sóc và phục hồi tập tính tự nhiên cho voi nhà.

Hướng tới du lịch thân thiện với voi thay vì cưỡi voi

Tại Đắk Lắk hiện có 60 cá thể voi hoang dã và 35 voi nhà. Năm 2016, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho 5 cá thể cái ghép đôi với voi đực. Trong đó, có 3 voi cái mang thai, sinh sản. Tuy nhiên, cả 3 voi con sinh ra đều chết ngạt. Hiện đàn voi nhà đều quá độ tuổi sinh sản.

Từ năm 2016, Tổ chức động vật châu Á đã hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk với số tiền tài trợ 350.000 USD. Riêng với dự án ký kết chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi, dự kiến Tổ chức động vật châu Á sẽ tài trợ cho Đắk Lắk trên 2 triệu USD để thực hiện.

“Đến nay, 14/35 con voi nhà được chuyển sang mô hình du lịch thân thiện cùng voi. Mỗi người dân là một đại sứ truyền thông, cùng nhau tuyên truyền nâng cao nhận thức nhằm hướng đến việc loại bỏ các hoạt động du lịch, giải trí tác động trực tiếp đến sức khỏe voi nhằm mang phúc lợi, bảo vệ số lượng voi còn lại ở nước ta”, ông Chung phát động.

Voi rừng bám theo người đã cứu mình... để cảm ơn - 3

Tỉnh Đắk Lắk đang hướng đến mô hình du lịch không cưỡi voi để bảo tồn đàn voi nhà (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hạnh, Trưởng Khoa Chăn nuôi thú y, Trường Đại học Tây Nguyên, voi không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà còn là sinh linh xứng đáng được tôn trọng và bảo vệ. Đã đến lúc cần nhìn lại cách con người đối xử với động vật hoang dã, để phúc lợi không chỉ là khái niệm, mà trở thành chuẩn mực sống.

Ông David Neale, Giám đốc toàn cầu về tri giác và phúc lợi động vật, Tổ chức động vật châu Á cho biết, voi là một biểu tượng văn hóa quan trọng và voi đã đồng hành cùng con người trong nhiều thế kỷ.

“Câu chuyện về những cá thể voi bị nuôi nhốt phục vụ du lịch là một chủ đề nhức nhối. Việc này đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa bảo tồn, kinh tế và đạo đức và sự cần thiết đề xuất những hướng đi tích cực hơn cho tương lai”, đại diện Tổ chức động vật châu Á trình bày.