Vụ điều dưỡng bị hành hung ngay khi đang chữa bệnh: Có thể làm mất cơ hội điều trị cho người thân

Vụ điều dưỡng bị hành hung ngay khi đang chữa bệnh: Có thể làm mất cơ hội điều trị cho người thân

bởi

trong
Vụ điều dưỡng bị hành hung ngay khi đang chữa bệnh: Có thể làm mất cơ hội điều trị cho người thân

Nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ bị người nhà nạn nhân hành hung ngày 25-4 – Ảnh: Cắt từ clip

Hành hung điều dưỡng có thể làm mất cơ hội điều trị cho người thân

Vụ việc nhân viên y tế bị hành hung, xúc phạm tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phú Thọ lan truyền khiến nhiều người bức xúc. Hành động không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường an toàn trong bệnh viện mà có thể làm mất đi cơ hội điều trị cho bệnh nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Cao Việt Hưng – phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba – cho hay sự việc xảy ra khi các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bệnh nhi 12 tuổi có dấu hiệu sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh.

Thời điểm đó dù các y, bác sĩ đã yêu cầu người nhà bệnh nhân ra ngoài để có thể tập trung cứu chữa người bệnh, nhưng gia đình không nghe và liên tục có những lời lẽ xúc phạm, đe dọa, gây cản trở.

“Trong lúc cấp cứu như vậy đáng ra phải để các bác sĩ toàn tâm toàn ý cấp cứu cho bệnh nhân vì vừa phải ép tim, vừa phải lấy thuốc để tiêm thì người nhà gây cản trở bằng lời nói, hành động gây áp lực cho ê kíp.

Thậm chí khi nam điều dưỡng ra ngoài lấy dụng cụ y tế để phục vụ cấp cứu đã bị người nhà đạp vào bụng. Ôm bụng vì đau trong vài giây, ngay sau đó nam điều dưỡng phải nén đau chạy đi lấy đồ để cấp cứu cho bệnh nhân”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Trong tình huống nguy cấp, dù nhân viên y tế bị đánh cũng đau, phải chịu đau để cứu sống người bệnh chứ không thể bỏ người bệnh không cứu chữa. “Mặc dù trong quy định cơ sở y tế có thể từ chối điều trị khi bị cản trở, có nguy cơ tổn hại đến sức khỏe, nhưng lương tâm của người bác sĩ không cho phép mình làm như vậy”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế (từ năm 2010 đến hết 2017) cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung.

Trong đó các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Khi nào nhân viên y tế có quyền từ chối?

Theo điều 40, mục 5 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sữa đổi có hiệu lực từ năm 2024, nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền của người bệnh, nghiêm cấm từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh…

Tuy nhiên các bác sĩ cũng có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong 5 trường hợp sau đây:

– Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình, nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác phù hợp để khám chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khác.

– Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.

– Có yêu cầu khám, chữa bệnh trái quy định pháp luật.

– Người bệnh yêu cầu phương pháp khám chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.

– Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 điều 15 của luật này (liên quan người bệnh là người thành niên và thanh niên rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự) không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Tại điều 43 của luật này cũng quy định, nhân viên y tế được phép tạm rời khỏi nơi làm việc trong trường hợp bị người khác đe dọa đến sức khỏe, tính mạng.

Giới y khoa đề nghị đề cao ngăn chặn bạo lực với nhân viên y tế

Rất nhiều y, bác sĩ đã lên tiếng trong 2 ngày qua, kể từ khi có thông tin về vụ bạo lực với thầy thuốc ở Thanh Ba, Phú Thọ. Trong đó bác sĩ Nguyễn Đăng Khiêm, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị nêu ý kiến:

Là bác sĩ cấp cứu ở một bệnh viện không quá “bất ổn” nhưng chứng kiến đồng nghiệp làm cấp cứu ở nhiều nơi bị “bắt nạt”, “xâm hại cả thể xác và tinh thần”, tôi thầm ước:

– Tại mỗi khoa cấp cứu, rộng hơn là tại mỗi “điểm nóng” đều có chế độ kích hoạt báo động được kết nối tới lực lượng an ninh nội bộ, công an sở tại. Và đương nhiên hệ thống này hoạt động hiệu quả.

– Luôn có lực lượng an ninh tại các “điểm nóng”.

– Luật cần nghiêm hơn trong việc xử lý các hành vi bạo hành nhân viên y tế, đề cao ngăn chặn hơn là xử lý. Các sự việc cần được kết luận rõ ràng.

– Ước có một môi trường làm việc thực sự an toàn.