‘Vụ sữa giả phơi bày sự lỏng lẻo trong kiểm soát chất lượng hàng hóa’

‘Vụ sữa giả phơi bày sự lỏng lẻo trong kiểm soát chất lượng hàng hóa’

bởi

trong

Đại biểu Quốc hội cho rằng cơ quan quản lý thiếu chuyên môn, thiếu cơ chế phối hợp, dẫn đến lỗ hổng để 600 nhãn sữa giả tuồn ra thị trường.

Đại biểu Nguyễn Như So nói như trên tại Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ngày 6/5.

Ông So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DABACO Việt Nam, đánh giá sau hơn 17 năm triển khai thi hành, luật đã củng cố hành lang pháp lý. Song trong bối cảnh nền kinh tế mở, nhiều quy định hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, thiếu đồng bộ. Về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông cho rằng dự thảo cần rà soát, điều chỉnh theo hướng tăng tính minh bạch, phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công, tránh chồng chéo, buông lỏng quản lý hoặc bỏ trống trách nhiệm. Đồng thời, ông đề nghị thiết lập rõ vai trò chủ trì và cơ chế phối hợp liên ngành một cách hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hoá.





‘Vụ sữa giả phơi bày sự lỏng lẻo trong kiểm soát chất lượng hàng hóa’

Đại biểu Nguyễn Như So. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Dẫn vụ việc gần 600 nhãn sữa giả được sản xuất và lưu hành công khai trong suốt 4 năm qua, ông So nhấn mạnh thực tế đã phơi bày sự buông lỏng và thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng hàng hóa. “Đây không chỉ là vụ việc cá biệt mà còn là dấu hiệu cho thấy những lỗ hổng mang tính hệ thống trong thiết kế chính sách và tổ chức thực thi”, đại biểu này nhìn nhận.

Cơ chế hậu kiểm vốn là định hướng đúng đắn phù hợp với thông lệ quốc tế, chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao tính chủ động trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi các cơ quan quản lý thiếu năng lực hậu kiểm, thiếu cơ chế phối hợp, thiếu sự phối hợp, cơ chế này trở thành kẽ hở để lợi dụng, né tránh trách nhiệm pháp lý và kiểm soát chất lượng.

Vụ sữa giả có nguyên nhân từ sự chồng chéo, phân tán và thiếu thống nhất trong phân công trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương, theo ông So, và điều này dẫn đến không có một cơ quan nào thực sự chịu trách nhiệm toàn diện. Khi hậu quả xảy ra, việc quy trách nhiệm trở nên mơ hồ vì tất cả đều liên quan nhưng không ai là đầu mối chịu trách nhiệm cuối cùng, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm.

Ông đề nghị thông qua dự luật, Chính phủ cần giải quyết tận gốc vấn đề này bằng cách thiết lập rõ mô hình quản lý rõ ràng, quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp liên ngành, trách nhiệm hậu kiểm gắn với chế tài thực thi đủ mạnh.

“Chỉ khi xây dựng được cơ chế quản lý đồng bộ, rõ ràng và có tính ràng buộc cao thì chất lượng sản phẩm hàng hóa mới thực sự được kiểm soát và quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo đảm”, ông nói.





Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa giả tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: CAND

Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa giả tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: CAND

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức cũng đặc biệt lo ngại với vụ 600 nhãn sữa giả. Ông nói các văn bản hiện hành đã quy định về hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, ranh giới pháp lý giữa hai định nghĩa này còn mờ nhạt. Việc này dẫn đến khi cơ quan chức năng phát hiện 600 nhãn hiệu sữa giả, nhiều ý kiến cho rằng đây là “sữa kém chất lượng chứ không phải sữa giả”.

Trong khi đó, các sản phẩm này đã bán tràn lan ra thị trường nhiều năm, thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Điều nguy hiểm là người sử dụng chủ yếu là trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ có thai và người già. “Những hệ lụy, hậu quả mà người sử dụng sau này phải gánh chịu không biết đến bao giờ mới tính toán được”, ông Đức nói.

Vì vậy, đại biểu đề nghị dự luật phải xây dựng hàng rào pháp lý, phân định giữ hàng giả; hàng kém chất lượng, với hàng trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sử dụng bị suy giảm chất lượng để có cơ chế xử lý. Ông đồng tình với cơ quan soạn thảo phân định theo mức độ rủi ro và danh mục sẽ do Chính phủ ban hành.

“Việc lập danh mục phải có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành với từng loại hàng hóa, nhất là thực phẩm và thuốc chữa bệnh”, ông Đức nêu.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, TP HCM, đề xuất nghiên cứu và định nghĩa rõ ràng về cơ chế bồi thường thiệt hại với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Theo bà, điều này đặc biệt có liên quan trong trường hợp công dân tiêu thụ các sản phẩm mà nhà nước đã tuyên bố là “an toàn”, nhưng cuối cùng lại là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bà Lan cho rằng việc thực hiện cơ chế như trên sẽ giúp người dân tránh được những mất mát và khó khăn. Đồng thời sẽ tạo động lực cho người dùng báo cáo các vấn đề nếu họ mua phải sản phẩm lỗi.

Trước đó, ngày 10/4, C01 đã khởi tố Hoàng Mạnh Hà, Vũ Mạnh Cường, Đặng Trung Kiên (Giám đốc, Phó giám đốc, cổ đông góp vốn của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group) cùng 4 đồng phạm về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Hà, Cường bị cáo buộc vai trò cầm đầu đường dây, là chủ đích thực của Hacofood Group và Rance Pharma cùng các công ty trong hệ sinh thái.

Đường dây bị nghi sản xuất 573 loại sữa bột, thu gần 500 tỷ đồng. Hiện, C01 cho rằng đủ cơ sở xác định 12 loại sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính đạt dưới 70% so với công bố, hay còn gọi là hàng giả. 72 sản phẩm còn lại đang được làm rõ.

Sơn Hà