Vụ sữa giả, thuốc giả, thứ trưởng khẳng định ngành y tế ‘đã làm hết trách nhiệm’

Vụ sữa giả, thuốc giả, thứ trưởng khẳng định ngành y tế ‘đã làm hết trách nhiệm’

bởi

trong
Vụ sữa giả, thuốc giả, thứ trưởng khẳng định ngành y tế ‘đã làm hết trách nhiệm’

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại họp báo – Ảnh: HỒNG QUANG

Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi tới Bộ Y tế liên quan đến vấn đề sữa giả và thuốc giả, đề nghị làm rõ những lỗ hổng trong chính sách, pháp luật khiến cho những sản phẩm ngang nhiên tồn tại trên thị trường trong thời gian dài mà không được kiểm soát, phát hiện? 

Đặc biệt vừa qua tình trạng thực phẩm chức năng được quảng cáo chữa bách bệnh tràn lan trên thị trường, trách nhiệm ra sao và giải pháp quản lý là gì?

Về trách nhiệm ngành y tế đối với vấn nạn sữa giả, thuốc giả, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay vụ việc xảy ra thời gian qua là rất nghiêm trọng khi sản phẩm làm giả liên quan trực tiếp trẻ nhỏ, người bệnh, là những người cần dinh dưỡng đặc biệt. 

Đây là vi phạm kinh doanh nghiêm trọng vì lợi ích cá nhân, trục lợi trong thời gian dài, bất chấp quy định pháp luật, coi thường pháp luật, là hành vi đáng lên án. 

Hiện có ba loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chuyên biệt. Luật An toàn thực phẩm quy định thực phẩm bổ sung được tự công bố. Tuy nhiên với sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chuyên biệt, dinh dưỡng trẻ em phải đăng ký công bố sản phẩm. 

Ông Thuấn cho hay chủ trương tự công bố là để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng quản lý tiên tiến. Tuy nhiên trên thực tế một số tổ chức, cá nhân lợi dụng cơ chế này sản xuất kinh doanh sản phẩm kém chất lượng. 

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, thứ trưởng cho biết bộ đã ban hành công văn số 832 ngày 23-4 chỉ đạo các tỉnh thành rà soát, kiểm tra, phối hợp cơ quan có thẩm quyền thu hồi thực phẩm dinh dưỡng, sữa bột là hàng giả. 

Đồng thời cơ quan này đã phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý, giải quyết theo quy định, khuyến cáo người dân không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa cho đến khi có quyết định điều tra cuối cùng của Bộ Công an. 

Năm 2024 toàn ngành y tế từ Trung ương và địa phương đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22%; xử lý 9.043 cơ sở, chiếm 44% cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, phạt tiền 6.658 cơ sở, số tiền 33 tỉ đồng.

Tuy vậy, câu trả lời của ông Thuấn được bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhắc nhở đi vào trọng tâm câu hỏi được phóng viên nêu ra là liệu có hay không lỗ hổng trong quản lý sữa và thuốc, thực phẩm chức năng, trách nhiệm của cơ quan quản lý và giải pháp thế nào?

Trả lời, ông Thuấn khẳng định: “Ngành y tế đã làm hết trách nhiệm” khi đã ban hành đầy đủ quy định liên quan. 

Theo nghị định 15, việc quản lý thực phẩm chức năng liên quan Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Việc quản lý giám sát phần lớn Bộ Y tế đã phân cấp, ủy quyền cho các tỉnh, thành phố và các sở y tế, Bộ Y tế chỉ quyết định về tiêu chí, tiêu chuẩn.

“Việc xảy ra vụ việc như vậy có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, do ý thức đạo đức của người tham gia kinh doanh, lợi dụng sức khỏe người dân để trục lợi. Chúng ta tiến tới lộ trình quản lý tiên tiến, doanh nghiệp tự công bố và quảng bá nhiều sản phẩm không đúng chất lượng, nguồn lực tham gia giám sát còn mỏng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế”, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn.

Để khắc phục, Bộ Y tế sẽ phối hợp bộ ngành liên quan, Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng phối hợp triển khai. Vừa qua, bộ cũng đã trình Chính phủ Luật Dược sửa đổi, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi… để quản lý chặt chẽ nhất sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân.

Hôm 2-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện số 55 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Công điện nêu thời gian vừa qua Bộ Công an, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.

Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo tại nhiều văn bản, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vụ việc nêu trên.