Nuôi cá chình theo mô hình VietGAP
Câu chuyện bắt đầu từ những ngày ông Bảy Ánh cùng gia đình khởi nghiệp trên mảnh đất hơn 1 ha cằn cỗi, chỉ làm lúa một vụ. Cuộc sống chật vật, nhưng cái khó không làm ông nản lòng. Năm 1999, một người bạn mách về con cá chình có giá trị kinh tế cao. Từ một nông dân chỉ quen việc trồng lúa và nuôi cá bống tượng, ông Ánh đã có ý tưởng táo bạo qua lời khuyên của người bạn ấy.

Ông Ánh được mệnh danh là “vua cá chình” bởi tâm huyết trong nghề và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân muốn theo nghề
ẢNH: GIA BÁCH
Trong khi nhiều người e ngại trước sự xa lạ và nguy cơ thất bại, ông Ánh quyết tâm thử sức. Ông bán 100 giạ lúa để mua 400 con cá chình giống về nuôi thử nghiệm, bất chấp những lời ngăn cản, đầy lo lắng của vợ. Khi đó đã ngoài 40 tuổi, ông mới bắt đầu những bước đi mạo hiểm.
Sự mạo hiểm đó được đền đáp. Sau 18 tháng nuôi, ông tát ao thu hoạch cá và giật mình khi cầm trong tay số tiền 65 triệu đồng – tương đương hơn 20 lượng vàng thời bấy giờ. Đây là một bước ngoặt lớn, không chỉ đối với gia đình ông, mà còn đối với ngành nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau.
Kết quả ban đầu khiến ông mạnh dạn tích lũy kinh nghiệm, mở rộng quy mô. Trải qua hơn 2 thập kỷ, ông đã nâng diện tích lên 6,5 ha với 42 ao nuôi cá chình và cá bống tượng. Mỗi năm, xuất bán từ 3 đến 5 ao, thu về lợi nhuận 4 – 5 tỉ đồng. “Cứ phải học hỏi và đổi mới để không bị tụt lại phía sau,”ông chia sẻ.
Những ngày lao động không ngừng nghỉ đã đưa tên tuổi ông Bảy Ánh lan rộng khắp miền Tây. Khu nuôi cá của ông trở thành điểm tham quan, học tập cho hàng trăm sinh viên và nhiều đoàn công tác trong nước.

Ông Ánh thu hoạch một ao cá chình
ẢNH: GIA BÁCH
Điều đặc biệt trong phương pháp nuôi của ông là sự chuyển đổi từ cách làm truyền thống sang mô hình VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Bước đi này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, tạo nên thương hiệu uy tín cho cá chình Cà Mau. “Muốn giữ thương hiệu, cần phải nghĩ xa hơn, làm lớn hơn và biết cách giữ gìn môi trường,” ông Bảy Ánh khẳng định.
Người “thắp lửa” cho vùng quê
Không chỉ là nông dân thành công, ông Bảy Ánh còn là người hàng xóm nghĩa tình. Ông đã hỗ trợ những người xung quanh như ông Trần Văn Bô – người nhờ sự giúp đỡ và lời khích lệ của ông Bảy đã từ 6 ao cá mở rộng lên 12 ao, vươn lên từ cảnh nghèo. “Anh cứ nuôi đi, tôi ở gần bên hỗ trợ anh hết mình,” lời nói ấy không chỉ là một sự khuyến khích mà còn là niềm tin ông truyền vào người khác.
Bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, ông Bảy Ánh còn góp phần vào việc phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Ông đã hiến đất mở đường giao thông, tài trợ lắp đặt camera an ninh để bảo vệ cộng đồng. Với tấm lòng hào sảng, ông đã tạo ra một bầu không khí đoàn kết và an toàn cho bà con trong vùng.

Với giá bán cá chình loại 1 khoảng 500.000 đồng/kg, ông Ánh (bìa phải) thu về hàng trăm triệu đồng khi thu hoạch 1 ao cá
ẢNH: GIA BÁCH
Những ai có dịp ghé thăm ngôi nhà của ông Bảy Ánh sẽ ấn tượng bởi bức ảnh Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trang trọng gần cửa vào. Ông tâm sự, đó là nguồn động lực để ông cùng các hội viên nông dân tích cực thực hiện phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vượt khó.
Căn nhà rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Bảy đứa cháu nội, ngoại của ông đang theo học đại học và cao học. “Hồi đó, nhà khó khăn lắm, tôi không lo nổi cho con học hành đàng hoàng. Nay, có điều kiện hơn, tôi luôn dạy các cháu phải cố học giỏi, sống tử tế và biết sẻ chia. Tôi có 7 đứa cháu nội, ngoại đang học đại học, cao học và tốt nghiệp đại học” ông kể với đôi mắt ánh lên vẻ tự hào.
Ông Trần Quốc Trạng, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành, cho biết: “Người dân ở đây rất tâm đắc với con cá chình, đây là mô hình nuôi chủ lực của địa phương. Hiện nay, diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng của xã trên 250 ha, với khoảng 420 hộ nuôi. Giá cá chình, bống tượng đang khá cao so với những năm trước đây. Người dân nuôi tỷ lệ lợi nhuận cao, nuôi cá chình 1ha thu trên 1,5 tấn, thu nhập trên 700 triệu đồng”.
Năm 2024, ông Ánh được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Nhìn lại 25 năm gắn bó với con cá chình, ông nói: “Làm gì cũng phải đặt cái tâm vào, phải kiên trì đến cùng. Có như vậy, trái ngọt mới đến”. Cũng chính vì điều đó mà người ta vẫn gọi ông là “vua cá chình” – không chỉ vì sự thành công mà còn vì tinh thần dẫn dắt, thắp lửa cho một vùng quê.