Vừa lo ôn thi, học sinh lớp 12 lại rối bời chọn trường xét tuyển

Vừa lo ôn thi, học sinh lớp 12 lại rối bời chọn trường xét tuyển

bởi

trong

Sĩ tử “căng não” tính toán phương thức tuyển sinh ĐH

Giai đoạn sau Tết cho tới cuối học kỳ 2 của các em học sinh cũng là lúc các trường đại học công bố phương thức tuyển sinh cho năm học tiếp theo.

Mỗi trường “trăm hoa đua nở” các ngành học, phương thức xét tuyển cũng như tiêu chí quy đổi điểm IELTS, SAT, kỳ thi riêng… khiến cho các bạn học sinh và cả phụ huynh trở nên rối bời như đứng trước ma trận.

Gần đây nhất, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) công bố tuyển sinh có 7 tổ hợp xét tuyển, ĐH Luật Hà Nội có 9 tổ hợp, ĐH Kiến trúc Hà Nội là 12 tổ hợp. Con số này tăng vọt ở ĐH Công nghiệp Hà Nội (15 tổ hợp) hay ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) có 17 tổ hợp…

Là học sinh lớp 12, em Triệu Quốc Anh (Thanh Hóa) chia sẻ: “Em cảm thấy bối rối trước nhiều phương thức khác nhau của các trường đại học như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết hợp học bạ, hay xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của học sinh…

Mỗi phương thức đều có ưu nhược điểm riêng, và em không biết nên chọn cái nào cho phù hợp. Thời gian không còn nhiều, bây giờ riêng lọc lại tiêu chí để tính toán, sắp xếp theo nguyện vọng cũng là vấn đề”.

Vừa lo ôn thi, học sinh lớp 12 lại rối bời chọn trường xét tuyển

Các phương thức xét tuyển, tiêu chí quy đổi điểm, kỳ thi riêng… khiến nhiều sĩ tử lo lắng khi tính toán chọn trường ĐH (Ảnh minh họa: M.H).

Khác với Quốc Anh, áp lực của Lê Ngọc Huyền, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, lại đến từ cân bằng giữa mong muốn của phụ huynh với sở thích cá nhân. Ngọc Huyền chia sẻ: “Mẹ kỳ vọng em sẽ theo học ngành giáo viên giống mẹ. Nhưng em lại muốn theo học ngành thiết kế đồ họa.

Nhiều lúc em cảm thấy rất áp lực, vì em không muốn từ bỏ ngành học mong muốn của bản thân nhưng cũng sợ buồn lòng mẹ. Điều này không chỉ ảnh hưởng tâm lý mà ảnh hưởng tới lựa chọn phương thức xét tuyển và phân bổ thời gian ôn tập của em”.

Đứng trước lựa chọn nếu học giáo viên, Huyền sẽ cần chú trọng chuẩn bị thật tốt kết quả kì thi tốt nghiệp THPT nhưng nếu chọn ngành thiết kế đồ họa thì em lại phải dành thời gian chuẩn bị kĩ cho kì thi đánh giá năng lực.

“Với một học sinh giỏi thì việc ôn tập cho cả kỳ thi đánh giá năng lực hay xét điểm tốt nghiệp không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên lực học của em ở mức vừa phải, nếu phân tâm cho cả hai “mặt trận” chắc chắn kết quả không như ý.

Em chỉ có thể lựa chọn một trong hai để ôn tập thật kỹ nhưng giờ em vẫn còn rất đắn đo”, Huyền buồn rầu chia sẻ.

Ngoài ra học sinh cũng có thể bị ảnh hưởng tâm lý từ bạn bè trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, ngành học, trường học. Khi mà, bạn bè xung quanh rủ nhau chọn một ngành học hoặc một phương thức xét tuyển nhất định để vào chung một trường, khiến cho học sinh trong nhóm dễ mang tâm lý đám đông bỏ qua các cơ hội xét tuyển phù hợp với bản thân.

Vừa lo ôn thi, học sinh lớp 12 lại rối bời chọn trường xét tuyển - 2

Các sĩ tử cần lọc ra các nhóm cơ sở trường phù hợp với khả năng học tập, mong muốn của mình trước khi đi đến quyết định (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Sĩ tử lớp 12 nên làm gì nếu “mơ hồ” lựa chọn?

Cô Ánh Tuyết, một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 tại một trường THPT ở Thanh Hóa, chia sẻ: “Hầu hết các em lớp 12 thường tìm kiếm sự hỗ trợ từ giáo viên để xin tư vấn về các vấn đề liên quan đến kì thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt năm nay số lượng các em học sinh xin tư vấn, gợi ý vấn về phương thức xét tuyển có phần tăng lên.

Kì thi tốt nghiệp THPT đang ngày một tới gần, trừ một số em đã xác định mục tiêu, còn lại, nhiều em vẫn phân vân giữa các phương thức xét tuyển cũng như việc chọn ngành và trường học.

Tâm lý chung của em ấy thường rất dễ mang tâm lý lo lắng, ảnh hưởng đến hiệu suất học tập, khiến việc ôn tập chưa hiệu quả”.

Theo PGS.TS Trương Đại Lượng, giảng viên phụ trách trực tiếp mảng tuyển sinh tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho hay để giảm bớt khó khăn về lựa chọn, các thí sinh nên “xem mong muốn của mình thi vào ngành nào, muốn học tập trong lĩnh vực nào và xét theo năng lực của chúng ta, quá trình học tập ở THPT đạt ở mức độ nào”.

Sau đó các em “hãy tìm hiểu các nhóm trường liên quan đến ngành nghề, phương thức xét tuyển bản thân mong muốn, từ đó lọc ra các nhóm cơ sở trường phù hợp với khả năng học tập của mình”.

Thầy cũng cho biết thêm năm nay và những năm gần đây Bộ GDĐT cũng tạo điều kiện cho các thí sinh nên các bạn thí sinh trước hết chỉ cần xác định ngành học yêu thích của bản thân. Sau khi có điểm thi các bạn có thể bắt đầu “xem xét trường nào phù hợp và xét tuyển trường đó”.

“Mỗi học sinh nên tự dựa vào ưu nhược điểm và sở thích của bản thân để lựa chọn chứ không nên bị chi phối bởi các tác động bên ngoài. Tất nhiên các em có thể nghe theo lời khuyên của những người xung quanh nhưng nên xem lời khuyên nào là đúng lời khuyên nào là chưa phù hợp để từ đó xác định thật tốt bản thân”, thầy Lượng nêu quan điểm.

Theo thông báo trước đó của Bộ GD&ĐT về kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2025, trước ngày 17/5, thí sinh thực hành đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Sau đó, thời gian thí sinh chính thức đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7.

Thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) thông tin của thí sinh trên hệ thống.

Dự kiến ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe.

Từ ngày 13/8 đến 17h ngày 20/8, tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển. Các trường đại học tải dữ liệu, thông tin xét tuyển, tổ chức xét tuyển. Hoàn thành thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 từ 17h ngày 22/8.

Mai Thắm