Ngày 30.6 tại TP.Rạch Giá (Kiên Giang), Phó thủ tướng Mai Văn Chính chủ trì lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đối với 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang để thành lập tỉnh An Giang mới và công bố các quyết định nhân sự quan trọng của tỉnh này.
Tham dự buổi lễ có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư, cùng đại diện một số bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang qua các thời kỳ.

Phó thủ tướng Mai Văn Chính (thứ 4 từ trái qua) trao quyết định của T.Ư về thành lập tỉnh An Giang mới cho lãnh đạo tỉnh An Giang
ẢNH: TRẦN NGỌC
Phát biểu tại lễ công bố, Phó thủ tướng Mai Văn Chính cho biết, An Giang giờ đây hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý đa dạng: từ biển, đảo, núi rừng đến đồng bằng trù phú, với một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước được đầu tư ngày càng đồng bộ, cùng với nguồn lao động tại chỗ dồi dào. Các yếu tố trên mang lại cho tỉnh tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh vượt bậc trong phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến.
“Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ thay đổi địa giới hành chính mà quan trọng hơn là tạo ra những điều kiện, động lực và cơ chế mới để tỉnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, và quan trọng nhất là phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đây là nền tảng để An Giang phát huy tối đa các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh, vươn lên trở thành một cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực và cả nước”, Phó thủ tướng Mai Văn Chính nhấn mạnh.
Công bố thành lập đặc khu Phú Quốc
Sáng 30.6, sau khi kết thúc lễ công bố thành lập tỉnh An Giang mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đã công bố các xã, phường, đặc khu trực thuộc.
Theo đó, đặc khu Phú Quốc được công bố thành lập trên cơ sở tổ chức lại đơn vị hành chính 8 xã, phường (Dương Đông, An Thới, Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Dầu, Bãi Thơm), với tổng diện tích 575,29 km2, dân số gần 160.000 người.

Một góc đặc khu Phú Quốc
ẢNH: HOÀNG TRUNG
Cũng vào thời gian này, đặc khu Thổ Châu cũng chính thức được công bố thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng xã Thổ Châu với diện tích 13,98 km2, dân số hơn 1.800 người.
Ngoài 2 đặc khu Phú Quốc và Thổ Châu, tỉnh An Giang (sau sáp nhập) còn có đặc khu Kiên Hải.
Hoàng Trung
Đưa Đồng Tháp vươn xa, vươn cao, tạo dấu ấn rõ nét cho cả vùng ĐBSCL
Cũng trong ngày 30.6, tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đến dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố thành lập tỉnh Đồng Tháp (mới) trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Phát biểu tại buổi lễ, đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc sáp nhập 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp thành một thực thể hành chính mới là bước đi chiến lược, nhằm mở rộng không gian phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tạo ra động lực kết nối vùng mạnh mẽ giữa ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Đại tướng chỉ rõ, với vị trí đặc biệt có cả biên giới đất liền và biển, tỉnh Đồng Tháp (mới) đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng, an ninh, đối ngoại và an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp với thế mạnh về lúa gạo, trái cây, thủy sản, và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc sáp nhập không chỉ cộng hưởng lợi thế giữa 2 địa phương mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để quy hoạch, đầu tư, phát triển du lịch sông nước, công nghiệp chế biến…
Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị: “Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh và cấp xã phải là một tập thể đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đưa Đồng Tháp (mới) vươn xa, vươn cao, tạo dấu ấn rõ nét cho cả vùng ĐBSCL”.