Chị Trần Diệu Thúy là nhân vật trong bài viết Người phụ nữ mua 5.000 bông hồng biến sân thượng thành vườn hoa trên Báo Thanh Niên. Ngoài sở thích mua hàng ngàn bông hoa về cắm, vườn sân thượng nhà chị còn trồng rau sạch mộc mạc, trông giống với những mảnh vườn ở bất kỳ vùng quê nào đó trên đất nước Việt Nam.
Bí quyết làm vườn rau sạch mùa nào thức nấy
Để có rau sạch, trái cây mùa nào thức nấy ăn quanh năm mà ít khi phải mua bên ngoài, bí quyết của chị Thuý đó là để khu vườn phát triển theo hướng thuận tự nhiên, không cần chăm sóc quá nhiều.
“Những cây mồng tơi già đi rồi rụng hạt, mùa sau mọc lên lứa cây con mới. Tương tự, những cây rau dền, tía tô… cũng vậy. Những loại như cà chua, dưa leo, xà lách thì nhà trồng luân phiên tùy thời điểm”, chị Thuý chia sẻ.

Sân thượng ở tầng 7 nên khá thoáng đãng, nhiều nắng là điều kiện tốt để các loại rau sạch, trái cây phát triển
Ảnh: NVCC

Trong tổng diện tích 200 mét vuông thì chị Thúy chỉ dành khoảng 30 mét vuông để trồng rau ở một khu vực riêng
Ảnh: NVCC

Còn lại, chị bố trí các chậu cây ăn trái, cây cảnh và hoa
Ảnh: NVCC

Rau sạch là loại cây trồng đầu tiên kể từ sau khi chị Thúy làm vườn trên sân thượng
Ảnh: NVCC


Những loại như đậu bắp, cà chua, mướp… thì trồng luân phiên
Ảnh: NVCC

Các con của chị Thúy thích ăn rau ngót, su su còn 2 vợ chồng thì thích ăn rau đay, rau dền, mồng tơi nên đây là những loại chị trồng thường xuyên
Ảnh: NVCC

Để tạo mảnh vườn sân thượng, chị Thúy chia sẻ việc xử lý chống thấm ngay từ đầu là điều quan trọng
Ảnh: NVCC

Ban đầu, chị bố trí các ô đổ đất trồng trực tiếp cây xuống nhưng về sau trồng vào chậu để dễ dàng đổi các vị trí
Ảnh: NVCC
Muốn quả thì phải trồng cây
Sau nhiều năm, những cây trái trong vườn sân thượng nhà chị Thúy đã quen và thích nghi tốt với môi trường nên chị không tốn công chăm sóc. “Như các cụ ngày xưa vẫn làm, đầu xuân năm mới tôi xới đất, thay đất mới, thêm ít phân gà… Trong năm khi thấy cây có dấu hiệu nhạt lá, còi cọc thì lại xới đất, tiếp tục bổ sung phân gà và phân ủ từ rác nhà bếp…”, chị chia sẻ.
Với gia đình khác, thích ăn gì thì ra chợ mua còn nhà chị Thuý thích ăn gì thì sẽ trồng, chờ đợi đến ngày thu hoạch. Đây cũng là cách chị cho các con trải nghiệm cuộc sống nông thôn giữa lòng Hà Nội.
Chị chia sẻ, chị cũng từng tốn khá nhiều tiền cho việc đầu tư hệ thống tưới tự động. Tuy nhiên, về sau thấy khu vườn luôn ẩm thấp, dễ tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển nên chị tự tưới từng chậu.

Vườn sinh trưởng khá tự nhiên, thỉnh thoảng chị Thúy cải tạo đất, tỉa cây để vườn không quá rậm rạp
Ảnh: NVCC

Gia đình chị thích sưu tầm các giống trái cây ở các địa phương Việt Nam về trồng như ổi găng Hưng Yên, bưởi Diễn, trái chúc An Giang…
Ảnh: NVCC


Ngoài ra còn có xoài, cam, chuối, mãng cầu, táo… “Trái cây nhà trồng rất ngon, ngọt, có năm cây bưởi nhà trồng trong chậu cho đến 70 trái”, chị kể
Ảnh: NVCC

Mấy năm trước chị Thúy còn nuôi gà lấy trứng trên sân thượng nhưng giờ ít có thời gian chăm sóc nên chỉ để sẵn thức ăn cho đàn bồ câu
Ảnh: NVCC

Chị không nuôi chim lấy thịt, lấy trứng chỉ để chúng đến sống trong khu vườn một cách tự do, tạo nguồn sinh khí và sức sống cho khu vườn
Ảnh: NVCC

Vườn sân thượng thuận tự nhiên của gia đình về đêm
Ảnh: NVCC

Sân thượng những ngày đầu xuân
Ảnh: NVCC

Chị Thúy trong căn chòi nhỏ bao quanh bởi cây xanh trên sân thượng
Ảnh: NVCC
Điều chị Thuý thích nhất là mỗi ngày tới bữa cơm thì lên sân thượng nhặt nhạnh ít rau tập tàng, trái mướp, trái bí… Vườn sân thượng đã trở thành một phần cuộc sống của gia đình chị. “Nhà trồng chỉ vừa đủ, không nhiều nhưng muốn ăn rau sạch, ăn tươi thì mình ăn ít lại một chút cũng được. Mảnh vườn cho tôi nhiều năng lượng, còn hơn cả năng lượng mà thức ăn mang lại. Mỗi khi căng thẳng, chỉ cần ngồi dưới bóng cây là mệt mỏi tan biến”, chị chia sẻ.