Vượt ẩu, xe tải lao xuống rãnh, có chi tiết gây tranh cãi

Vượt ẩu, xe tải lao xuống rãnh, có chi tiết gây tranh cãi

bởi

trong
Vượt ẩu, xe tải lao xuống rãnh, có chi tiết gây tranh cãi

Tình huống được cho là diễn ra vào ngày 6/5 trên một tuyến đường ở miền núi phía bắc.

Clip cho thấy ô tô tải nhỏ đã vượt lên ở bên trái của xe có camera hành trình và tài xế đánh lái sớm khi đang tăng tốc để vượt trên đường hẹp đã khiến chiếc xe tải lao xuống rãnh thoát nước bên đường.

Vượt ẩu, xe tải lao xuống rãnh, có chi tiết gây tranh cãi (Video: OFFB).

Trong tình huống này, có vẻ như tài xế xe tải đã cố vượt khi không đủ điều kiện an toàn. Tuy nhiên, nếu xem kỹ, có thể thấy tài xế xe có camera hành trình không có dấu hiệu giảm tốc để nhường cho xe tải vượt lên, dẫn tới việc hai xe gần như đua tốc độ. Và đây chính là chi tiết gây nhiều tranh cãi khi video được chia sẻ trên mạng xã hội.

Tài khoản Facebook có tên Quang Anh cho rằng vội gì thì vội, an toàn là trên hết. Cố vượt mà không may xảy ra tai nạn thì vừa mất tiền vừa mất thời gian, có khi còn nguy hiểm.

Trong khi đó, nick Hồ Trung bình luận: “Họ vượt ẩu thì kệ họ tự chịu trách nhiệm chứ tôi thấy xe có “cam” cũng không giảm tốc độ. Nếu mình nhường tốc độ thì chắc gì xe họ đã sa chân. Theo tôi, nếu xử đúng luật thì xe có “cam” cũng có lỗi luôn ấy chứ. Hơn thua với người ta làm gì không biết.

Người ta vội mà đường thoáng thì đi nép sang phải để nhường cho người ta vượt. Tôi thấy có vẻ như tài xế này còn cố tình tăng tốc và như vậy là gây nguy hiểm cho xe xin vượt”, thành viên có tên Hồ Trung bình luận trên mạng xã hội.

Tài khoản Minh Tú cũng có ý kiến tương tự: “Em không cổ xúy việc vượt ẩu, phóng bạt mạng, nhưng đường rộng, thoáng mà cố tình đạp ga lên khi thấy xe khác định vượt là “chơi xấu”, thậm chí độc ác, vì lỡ họ không kịp về làn là dễ tai nạn. Mà kể cả xe họ vượt ẩu thì xe bị vượt cũng phải làm tròn trách nhiệm, vẫn phải nhường chứ chưa nói đến việc họ vượt đúng”

Em cũng bị cản đường như vậy vài lần như vậy rồi nên hiểu cái cảm giác này lắm. Đường trống, không vướng nhà vướng xe, vạch kẻ nét đứt, phía trước không có xe máy mà xe họ cứ chạy tà tà 40-50km/h, cứ khi nào mình xin vượt thì xe đó lại tăng tốc, hoặc chạy giữa 2 làn, trong khi quãng đường mình đi còn 70-80km, hoặc đang có việc, không thong thả như họ được”.

Tài khoản Trần Dũng đưa ra phán đoán: “Có thể xe tải bị bó phanh một bên. Mình cũng từng bị đi dẹo dẹo rồi văng xe sang bên kia đường, may mà lúc đó không có xe nào khác”.

Việc vượt và nhường đường cho xe xin vượt được quy định như thế nào?

Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 quy định: Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước phải quan sát phần đường phía trước, nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, có tín hiệu rẽ phải để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết được vượt và đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được cản trở đối với xe xin vượt.

Trường hợp có chướng ngại vật hoặc không đủ điều kiện an toàn thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước có tín hiệu rẽ trái để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết là chưa được vượt.

Tài xế ô tô không nhường đường cho xe phía sau xin vượt có thể bị phạt 2-3 triệu đồng và trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Trong khi đó, xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác, đã có tín hiệu rẽ phải và tránh về bên phải.

Không được vượt xe trong trường hợp sau đây:

– Khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này;

– Trên cầu hẹp có một làn đường;

– Đường cong có tầm nhìn bị hạn chế;

– Trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế;

– Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

– Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

– Khi gặp xe ưu tiên;

– Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

– Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

– Trong hầm đường bộ.