Xã rộng, sát với dân, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt “chỉ có tốt”

Xã rộng, sát với dân, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt “chỉ có tốt”

bởi

trong

Đây là một trong những quy định đáng chú ý được đề cập trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Cán bộ xã tiếp xúc trực tiếp người dân, cần lấy phiếu tín nhiệm 

Dự thảo sửa đổi lần này đề cập quy định HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu. Nhưng từ góc độ của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết 96 của Quốc hội về nội dung này đều đang quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh tại HĐND, UBND cấp xã.

Xã rộng, sát với dân, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt “chỉ có tốt”

Chính phủ đề xuất lấy phiếu tín nhiệm ở cấp xã vì sau sáp nhập, vị trí pháp lý, quy mô và đặc thù ở các xã mới rất khác (Ảnh minh họa: Hữu Thắng).

Theo cơ quan thẩm tra, nếu bổ sung quy định này, cơ quan trình cần báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra. Ông cũng cho rằng cần thiết lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã bởi sau sáp nhập, có những xã lớn như huyện.

“Sau sáp nhập, có xã vẫn nhỏ như ngày xưa, có xã to hơn, cũng có xã như một huyện, tức là mô hình vẫn là xã nhưng đa dạng. Hơn nữa, chính quyền địa phương có 2 cấp cũng rất cần lấy phiếu tín nhiệm, chỉ còn 2 cấp thì lấy phiếu chỉ có tốt”, ông Định nêu quan điểm.

Nhưng vấn đề cốt lõi, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề này khác Quy định 96 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 96 của Quốc hội, nên đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cũng cho rằng cần phải quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với cấp xã sau khi bỏ cấp huyện.

“Cấp xã là cấp trực tiếp, sát với dân, cho nên cần phải có lấy phiếu tín nhiệm và việc này cần phải xin thêm ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định”, bà Nga nói.

Xã rộng, sát với dân, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt chỉ có tốt - 2

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Hồng Phong).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng góp ý nên báo cáo cấp có thẩm quyền để quyết định, song ông nhấn mạnh định hướng nên lấy phiếu tín nhiệm bởi HĐND cấp xã tới đây sẽ đông dân, rộng lớn và quan trọng hơn. Còn nghị quyết của Quốc hội về việc này có thể sửa để kịp đưa vào luật nội dung lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm ở cấp xã.

2 phương án quy định việc lấy phiếu tín nhiệm ở cấp xã

Làm rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, trong đó có quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND cấp xã bầu, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải thích sau sáp nhập, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của cấp xã mới là rất khác.

Theo Bộ trưởng, Bộ Nội vụ điều chỉnh theo hướng sẽ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền, tức là cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm nhưng thực hiện theo quy định ban hành và xin phép không phải báo cáo lại Bộ Chính trị về nội dung này để đỡ phải mất thêm việc lấy ý kiến trước khi Quốc hội diễn ra.

Xã rộng, sát với dân, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt chỉ có tốt - 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: Hồng Phong).

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết với quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, một là thiết kế như luật hiện nay. Nếu Chính phủ chưa kịp xin ý kiến Bộ Chính trị thì trước quy trình biểu quyết thông qua luật, Đảng ủy Quốc hội sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị.

Hai là thiết kế lại như Bộ trưởng Nội vụ nói, là sẽ lấy phiếu tín nhiệm theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội chốt lại, có thể thiết kế 2 phương án trong dự thảo luật để xem xét.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, khẩn trương của Chính phủ và Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp trong việc xây dựng, thẩm tra dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hồ sơ dự án luật bảo đảm đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua một lần tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp và trình tự, thủ tục rút gọn.