Xây dựng nền kinh tế tự cường để thích ứng trật tự thương mại mới

Xây dựng nền kinh tế tự cường để thích ứng trật tự thương mại mới

bởi

trong

Cơ hội tái cấu trúc

Thông tin từ Bộ Công thương, đến nay VN và Mỹ đã chính thức khởi động đàm phán kinh tế. Theo đó, trưởng đoàn đàm phán thuế quan Việt – Mỹ cùng nhất trí sẽ duy trì trao đổi thường xuyên ở cấp trưởng đoàn và cấp kỹ thuật nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán đối với từng vấn đề cụ thể. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là đoàn đàm phán, chuẩn bị tốt các nội dung để đàm phán với phía Mỹ; việc đàm phán cần không làm phức tạp vấn đề, không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà VN đã tham gia. Đáng lưu ý, theo Thủ tướng, đây cũng là cơ hội để VN tái cấu trúc lại động lực xuất khẩu, tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá ngay sau khi thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46%, VN đã có những ứng xử, phản ứng chính sách rất kịp thời đảm bảo nguyên tắc thương mại công bằng, minh bạch, cùng có lợi. “Chúng ta đã biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ VN cũng liên tục làm việc, có những buổi gặp gỡ đối tác Mỹ nhằm duy trì kênh đối thoại cũng như nêu rõ quan điểm của VN. 

Bộ trưởng Bộ Công thương – Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, cũng đã có cuộc điện đàm với Trưởng đại diện Thương mại Mỹ để chính thức khởi động đàm phán thương mại song phương. Tất cả cho thấy, chúng ta rất thiện chí, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại các vấn đề trong chính sách thuế quan. Và để bảo đảm công bằng thương mại, chúng ta sẵn sàng giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng nhập hàng từ Mỹ nhằm góp phần giảm thâm hụt thương mại. Thậm chí, VN cũng quan tâm đến các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư, minh bạch hóa các vấn đề xuất xứ, nâng cao không chỉ cam kết mà còn các vấn đề trong thực thi sở hữu trí tuệ, quá trình chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi…”, ông Thành dẫn chứng.

Xây dựng nền kinh tế tự cường để thích ứng trật tự thương mại mới

Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ở chiều ngược lại, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh: Việc Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa VN là cơ hội lớn để đẩy mạnh tái cấu trúc, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Trong một thế giới bất định, biến động khó lường, việc gặp gỡ, đàm phán thuế quan chung quy vẫn là kế sách nhằm tìm giải pháp tốt nhất để có kết quả hài hòa lợi ích thương mại hai bên. Song đây không chỉ là câu chuyện của hôm nay mà còn là vấn đề dài hạn tương lai. 

“Chúng ta phải vừa giải quyết được những khó khăn trước mắt, phải tạo thuận lợi cho thương mại để giữ chân các nhà đầu tư và nỗ lực thu hút nhà đầu tư mới, tạo nền tảng cho sự phát triển tương lai. Mặt khác, chúng ta phải hướng nền kinh tế tự chủ hơn. Phải nâng cao tính tự chủ, tự lực, tự cường mới có nền kinh tế phát triển bền vững được. Với doanh nghiệp, đây là giai đoạn quan trọng, cần sự nỗ lực rất lớn, coi đây là cơ hội để đánh giá, tái cấu trúc lại chính mình. Với Chính phủ, muốn phát triển bền vững vẫn cần cả thương mại, đầu tư, đón dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Quan trọng phải tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký kết…”, TS Võ Trí Thành phân tích.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, cũng cho rằng những thách thức thuế quan mà Mỹ công bố với nhiều nước, trong đó có VN là điều chúng ta không mong muốn. Chúng ta vẫn có nhiều khả năng để đàm phán giảm mức thuế mà Mỹ đã công bố. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế VN theo hướng bền vững và tự chủ hơn.

Xây dựng nền kinh tế tự cường để thích ứng trật tự thương mại mới- Ảnh 2.

VN cần đẩy mạnh chủ động nguồn nguyên liệu để tham gia sâu rộng chuỗi sản xuất toàn cầu

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thay đổi mô hình kinh tế, giải bài toán “trong nguy có cơ”

Theo đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng phác họa bức tranh về một nền kinh tế bền vững không thể “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Rằng VN cần khẩn trương tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do VN – EU), UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do VN – Vương quốc Anh và Bắc Ireland) và RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN). Thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông – những nơi có sức mua lớn và đang thiếu hụt nguồn cung thay thế Trung Quốc – là đích đến chiến lược. Xuất khẩu sang thị trường EU mới chỉ đạt khoảng 50 tỉ USD – còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Đồng thời, đã đến lúc nâng tầm sản xuất lên chuỗi giá trị cao hơn, thoát khỏi chiếc áo gia công. Muốn vậy, cần tăng đầu tư vào nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, và nhất là xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm “Made by Vietnam”. Hiện nay, VN mới chi khoảng 0,5% GDP cho R&D – chỉ bằng một nửa so với mức trung bình 1% trong khối ASEAN. Nếu nâng tỷ lệ này lên 1%, VN sẽ có cơ hội tạo ra sản phẩm riêng, thiết kế riêng, công nghệ riêng – thay vì chỉ làm thuê cho người khác. Bên cạnh đó, thị trường nội địa gần 100 triệu dân, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, là nền tảng đủ lớn để duy trì sản xuất và tiêu dùng trong thời điểm khó khăn. 

Cần chính sách kích cầu thông minh, khuyến khích sản phẩm nội địa, và hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng hệ thống phân phối. VN cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất – từ đó thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tránh bị tổn thương dây chuyền khi thị trường xuất khẩu biến động. TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: “Lịch sử kinh tế VN đã nhiều lần chứng minh: trong thử thách luôn tiềm ẩn cơ hội. Nếu biết biến sức ép thành động lực, biến ngặt nghèo thành sáng tạo, thì cú sốc thuế quan lần này không phải là dấu chấm hết – mà có thể trở thành bước ngoặt cho một hành trình mới: hành trình xây dựng một nền kinh tế tự chủ, bền vững và có giá trị riêng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Xây dựng nền kinh tế tự cường để thích ứng trật tự thương mại mới- Ảnh 3.

Sức mua từ thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Xây dựng nền kinh tế tự cường để thích ứng trật tự thương mại mới- Ảnh 4.

Sức mua từ thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

TS Võ Trí Thành bổ sung: “Một nền kinh tế tự chủ, tự cường cần phải tự chủ được nguồn nguyên vật liệu. Không đảm bảo được nguyên tắc xuất xứ tại một số thị trường, hàng hóa sẽ chịu thiệt thòi, thậm chí bị “bắt nạt” cho dù “anh” làm ra một sản phẩm tốt đến đâu. Chúng ta vẫn thường nói nhiều đến câu “trong nguy có cơ” trong một số hoàn cảnh và lúc này đây, câu nói đó vẫn đúng với thực tiễn của VN”. Và lợi thế của chúng ta là đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đa và song phương, là nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đều tăng cho dù thị trường thế giới luôn tồn tại nguy cơ bất định. Để không phụ thuộc vào thị trường lớn, bắt buộc phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa những ưu đãi và cơ hội từ 17 FTA này.

Tạo không gian cho khối tư nhân “thỏa sức vùng vẫy”

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, trong bối cảnh VN đang bước vào kỷ nguyên mới, Hội nghị T.Ư 11 (khóa XIII) đã đưa ra một trong những quyết sách có tầm vóc chiến lược: xác lập mô hình tăng trưởng mới cho đất nước, cũng như xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới. Đó là các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Trong mô hình tăng trưởng mới này, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia…

“Giáo dục không còn là lĩnh vực xã hội đơn thuần, mà là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của quốc gia. Chúng ta cần một nền giáo dục hiện đại, thực học để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao vận hành nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số. Hoạt động đổi mới sáng tạo giúp quốc gia “vượt rào” phát triển; chuyển đổi số rút ngắn khoảng cách tụt hậu; dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trở thành tài sản quốc gia. Đây không chỉ là xu thế, mà là lối thoát chiến lược cho một quốc gia như VN – đang tìm kiếm đột phá để thoát bẫy thu nhập trung bình. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và người dân cùng hành động trên một tầm nhìn chung”, TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Xây dựng nền kinh tế tự cường để thích ứng trật tự thương mại mới- Ảnh 5.

Với dân số vàng là lợi thế để VN đẩy mạnh tự chủ nền kinh tế

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trước những thách thức mới của biến động kinh tế, địa chính trị toàn cầu, VN đứng trước một ngã rẽ mang tính quyết định: Hoặc đổi mới mô hình tăng trưởng để bứt phá, hoặc chấp nhận bị tụt lại phía sau. TS Dũng nhấn mạnh, cần phải hành động quyết liệt, nỗ lực đồng bộ và táo bạo. Đó là cải cách thể chế để khai thông các dòng chảy sáng tạo; tái cấu trúc ngân sách để đầu tư mạnh cho giáo dục – khoa học – công nghệ; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia; phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp công nghệ cao.

Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành lưu ý, yếu tố “ngoại” sẽ có thể không có nhiều thuận lợi trong năm nay nên tăng trưởng được kỳ vọng lớn hơn vào khu vực nội, doanh nghiệp nội. Mặt khác, năm 2025 là dấu mốc rất quan trọng. Đất nước đang đứng trước thời khắc lịch sử của một kỷ nguyên phát triển mới hướng tới khát vọng hùng cường, thịnh vượng, trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao năm 2045. 

“Trong hội nhập, khu vực đầu tư nước ngoài, nhất là FDI, có thể đóng vai trò quan trọng, song về dài hạn và phát triển bền vững vì một VN dân giàu nước mạnh chắc chắn không thể thiếu vắng lực lượng kinh tế tư nhân hùng mạnh để có thể giúp nền kinh tế tự chủ được. Để làm được điều này, cần hoàn thiện thể chế, cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nhân lực, cải thiện hạ tầng, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất… Thực tế chứng minh, nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp có thể vươn mình mạnh mẽ, làm chủ được thị trường nội địa, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế… Và lịch sử đã cho thấy, mỗi khi thể chế có những đột phá, chuyển biến thực chất, quan trọng thì kinh tế tư nhân đều có sự bật lên với sức sống mãnh liệt. Theo tôi, giải pháp tối ưu và cấp bách lúc này là cải cách mạnh mẽ, tinh thần cải cách thể chế phải được chuyển hóa thành hành động cụ thể, từ đó, khu vực tư nhân thỏa sức vùng vẫy trong không gian phát triển mới chắc chắn sẽ tạo sự đột phá”, ông Thành nhấn mạnh.

Để tham gia sâu và cao hơn trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, VN cần khẩn trương thực hiện 3 chính sách có liên quan với nhau. Thứ nhất, tích cực tiếp thị thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao từ các công ty đa quốc gia nhằm thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Thứ hai, khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với việc tận dụng nguồn lực thực tập sinh kỹ năng ở nước ngoài. Thứ ba, cải thiện thể chất của doanh nghiệp trong nước nhằm tăng quy mô và năng lực kinh doanh để tạo điều kiện ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia sâu và cao hơn vào mạng lưới cung ứng, kể cả việc liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Trần Văn Thọ (Nhật Bản)

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, VN trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, VN trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nghị quyết đưa ra 3 đột phá chiến lược, gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Các nước cũng đã và đang chạy đua thời gian để đàm phán với hy vọng đạt thỏa thuận thương mại trước ngày 8.7 (sau 90 ngày Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng lên hàng hóa các nước – NV). Thông tin trên Tạp chí Time mới đây, Tổng thống Mỹ cho biết chính quyền của ông đã đàm phán được 200 thỏa thuận thương mại với các đối tác thương mại và dự kiến công bố sau 3 – 4 tuần nữa. Trong khi đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có kim ngạch giao thương lớn với Mỹ lại chưa bắt đầu việc đàm phán. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ khẳng định chưa có đàm phán hay thỏa thuận nào liên quan vấn đề thuế quan giữa 2 nước Mỹ – Trung; Mỹ – Hàn đã có cuộc gặp mặt đầu tiên vào ngày 24.5 tại Mỹ và dự kiến vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Hàn vào tháng 5 với mục tiêu có được thỏa thuận trước ngày 8.7; đàm phán Mỹ – Nhật đã sang vòng thứ 2 và chưa có thỏa thuận nào được đưa ra…