Xe máy sụt “hố tử thần”, đơn vị nào phải bồi thường cho chủ xe?

Xe máy sụt “hố tử thần”, đơn vị nào phải bồi thường cho chủ xe?

bởi

trong

Liên quan vụ việc một xe máy Honda SH tụt xuống “hố tử thần” khi lưu thông trên đường Trường Chinh (phường Kim Liên, Hà Nội) tối 26/7, lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết đã xác định được nguyên nhân vụ việc. 

Qua xác minh, đơn vị xác định có đường ống ngầm D100 (đường kính 100mm) của công ty nước sạch bị rò rỉ dưới mặt đường. Do áp suất lớn nên khi đường ống bị rò rỉ khiến nước làm xói mòn lớp base (hỗn hợp đá dăm và đá mi bụi) bên dưới thảm nhựa, dẫn đến việc xuất hiện hố tử thần. Đơn vị nước sạch cũng thừa nhận cách đây khoảng 10 ngày có hiện tượng nước ngầm bị rò rỉ nhưng chưa xác định được vị trí. 

Từ sự việc trên, nhiều độc giả Dân trí có cùng chung thắc mắc: Đơn vị nào có trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện bị thiệt hại do đường sụt lún gây ra? 

Xe máy sụt “hố tử thần”, đơn vị nào phải bồi thường cho chủ xe?

Chiếc xe SH bị sụt hố (Ảnh: Xuân Ninh).

Giải đáp băn khoăn của độc giả, Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc có yếu tố lỗi dẫn tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác bị xâm phạm. Khi đó, người có lỗi phải bồi thường thiệt hại trong phạm vi lỗi do mình gây ra theo nguyên tắc ai gây ra thiệt hại hoặc là chủ sở hữu vật gây thiệt hại, thì người đó phải bồi thường. 

Trường hợp này, ông Hùng nhìn nhận trước tiên cần xác định đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo trì, duy tu đoạn đường xảy ra sự cố, đồng thời làm rõ đoạn ống nước rò rỉ thuộc quyền khai thác, quản lý của tổ chức nào. 

Tiếp theo, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn và xác định yếu tố lỗi (nếu có) của các tổ chức, cá nhân liên quan. Từ đó, trách nhiệm pháp lý có thể được xác định tùy thuộc các trường hợp như sau: 

Thứ nhất, nếu kết quả xác minh cho thấy nền đường được thi công, quản lý đúng quy trình, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên còn đường ống nước cũng được khai thác, vận hành tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, được theo dõi, giám sát thường xuyên nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và độ an toàn, đồng thời việc rò rỉ đường ống là sự kiện khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, đây có thể coi là tình huống bất khả kháng. 

Nếu thuộc trường hợp này, trách nhiệm bồi thường dân sự sẽ được miễn trừ đối với các tổ chức có liên quan. 

Thứ hai, nếu kết quả xác minh cho thấy có yếu tố lỗi trong quá trình quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng… nền đường hoặc hệ thống đường ống dẫn nước, dẫn tới chất lượng công trình không đảm bảo an toàn, gây sụt lún và có mối quan hệ nhân quả giữa yếu tố lỗi đó với việc sụt lún đường, trách nhiệm khi đó sẽ thuộc về tổ chức có lỗi. 

Khi đó, bên có lỗi có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cho chủ phương tiện. Trường hợp xác định có dấu hiệu lỗi hỗn hợp, các bên sẽ phải liên đới bồi thường thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình gây ra. 

Xe máy sụt hố tử thần, đơn vị nào phải bồi thường cho chủ xe? - 2

Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường sau vụ việc (Ảnh: Xuân Ninh).

Về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, luật sư cho biết chủ phương tiện có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp xác định có yếu tố lỗi. Mức bồi thường sẽ dựa trên thiệt hại thực tế của phương tiện và căn cứ các quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015. 

Việc bồi thường được thực hiện căn cứ thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận về con số bồi thường, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc bên có lỗi bồi thường thiệt hại về tài sản do lỗi vi phạm gây ra.