
Năm 2015, tôi mua một chiếc Peugeot đời 2002, xe xăng – hợp túi tiền, chạy vẫn còn rất tốt, tuy tốn nhiên liệu hơn các xe đời mới khác.
Khi Paris bắt đầu áp dụng hệ thống Crit’Air, tôi nhận nhãn dán số 3, thuộc nhóm xe có mức phát thải trung bình.
Crit’Air là hệ thống nhãn màu dán trên kính xe, phân loại phương tiện thành sáu cấp độ, từ 0 đến 5, tùy theo mức độ phát thải. Nhãn 0 là xe điện, không khí thải. Từ 1 đến 5 là xe động cơ đốt trong, phân theo năm sản xuất và loại nhiên liệu.
Cảm giác sở hữu một chiếc xe “bị phân loại” lúc đầu khá khó chịu. Đó cũng là tâm lý chung của người dân sinh sống và làm việc tại Paris.
Hồi Crit’Air mới được đưa vào áp dụng, tôi nhớ rõ sự lúng túng và cả hoài nghi của nhiều người dân Paris. Không ít người đặt câu hỏi: “Tôi đi làm bằng xe của mình bao nhiêu năm nay, giờ lại bị hạn chế?”, hay “Chính sách này chỉ ưu tiên người giàu đủ tiền mua xe điện hay xe mới?”. Một bộ phận tài xế taxi, thợ sửa xe, công ty xây dựng, công nhân ngoại ô – những người phụ thuộc hoàn toàn vào phương tiện cá nhân để kiếm sống – tỏ ra bất an và lo lắng thực sự.
Nhưng trên thực tế, chính quyền Paris không phản ứng bằng áp lực cưỡng chế ngay lập tức. Họ tổ chức các chiến dịch truyền thông rõ ràng, lập các trung tâm tư vấn về Crit’Air, công bố bản đồ khu vực bị hạn chế, và cung cấp thông tin cụ thể về thời gian chuyển tiếp. Các chính sách hỗ trợ như đổi xe, miễn phí vé tàu vào những ngày ô nhiễm, hay mở rộng xe buýt ngoại ô đã góp phần xoa dịu tâm lý bức xúc ban đầu.
Người dân biết xe của mình thuộc loại nào, có thể lưu thông ở đâu, thành phố sẽ công bố những khu vực cấm xe Crit’Air 4 và 5 vào giờ cao điểm hoặc ngày ô nhiễm. Những ai chưa đủ điều kiện đổi xe thì vẫn đi được trong phần lớn thời gian, trừ khi có cảnh báo đặc biệt.
Không ai đường đột bị “đuổi khỏi đường”.
Sau một thời gian, nhiều người – kể cả tôi – dần hiểu rằng đây không phải là sự áp đặt, mà là lời nhắc: đã đến lúc chúng ta cùng chịu trách nhiệm cho bầu không khí mình hít thở mỗi ngày.
Theo kế hoạch ban đầu, từ tháng 7/2022, các xe Crit’Air 3 sẽ bị cấm lưu thông tại Paris trong khung giờ hành chính. Điều đó nghĩa là xe của tôi sẽ không còn được sử dụng như bình thường.
Thế nhưng, đến sát mốc thời gian, thành phố Paris và vùng Île-de-France quyết định lùi thời hạn cấm xe Crit’Air 3 đến năm 2024, rồi sau đó tiếp tục điều chỉnh việc sử dụng hạn chế sang 2025. Lý do rất thực tế: ảnh hưởng kinh tế sau dịch Covid-19, chi phí chuyển đổi xe phát thải thấp còn cao, hạ tầng sạc cho xe điện chưa đủ phủ rộng.
Dù vẫn giữ mục tiêu dài hạn là thành phố không khí thải, chính quyền đã không “cứng nhắc”, mà lắng nghe phản hồi và điều chỉnh theo năng lực thích nghi của xã hội.
Bây giờ, khi hay tin Hà Nội cấm xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào vành đai 1 , và tiến tới áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3 vào năm 2030, tôi vừa mừng vừa lo.
Tôi mừng vì Việt Nam đã dám đặt ra một mục tiêu lớn về môi trường. Nhưng lo vì nếu không có hệ thống chuẩn khí thải rõ ràng, minh bạch, và không có các bước chuyển tiếp, người dân sẽ bị bất ngờ, hoang mang, đặc biệt là người lao động nghèo, người mà xe máy, xe tải cũ là phương tiện sinh kế chính.
Do vậy, trước khi đi đến việc “cấm” xe xăng, Hà Nội sẽ còn rất nhiều việc phải làm, mà trình tự các bước, tôi thấy nhiều chuyên gia rất rõ ràng , bao gồm việc: cải thiện hạ tầng giao thông công cộng, hỗ trợ thu đổi xe xăng – dầu, tăng cường số lượng trạm sạc điện…
Còn tôi, từ trải nghiệm thực tế của một người chịu tác động từ chính sách tương tự, tôi cho rằng, Việt Nam nên nhanh chóng triển khai đồng thời lộ trình phân loại phương tiện và phạm vi lưu thông dựa trên mức phát thải trung bình.
Điều này là hoàn toàn khả thi và có thể áp dụng ngay được. Việt Nam đã chính thức triển khai hệ thống tem kiểm định phân biệt môi trường cho xe ôtô, bắt đầu từ 1/1/2025. Hệ thống này sử dụng ba màu tem khác nhau để phân loại xe dựa trên loại năng lượng sử dụng. Tem màu xanh lá cây dành cho các loại xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường, như xe điện và xe hybrid. Tem màu vàng cam dành cho các loại xe cơ giới khác, bao gồm cả xe sử dụng động cơ đốt trong (xăng, dầu). Tem màu tím hồng dành cho xe máy chuyên dùng.
Hệ thống này phục vụ nhiều mục đích: Phân loại phương tiện theo mức độ thân thiện môi trường, kiểm soát và quản lý khí thải giao thông, chuẩn bị cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi giao thông xanh…
Ngoài việc phân loại xe ôtô theo năng lượng sử dụng, Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu xe môtô, xe gắn máy sản xuất từ 5 năm trở lên bắt buộc phải kiểm định khí thải.
Như vậy, Việt Nam cơ bản đã có hệ thống phân loại xe theo tiêu chuẩn môi trường. Đây là cơ sở để Hà Nội triển khai các bước tiếp theo, bao gồm: Thống nhất tiêu chuẩn dán nhãn và hoàn tất việc cấp nhãn phân loại xe theo mức độ phát thải (tuổi đời, loại nhiên liệu…), hình thành các khu vực hoặc khung giờ bị hạn chế lưu thông đối với từng loại xe từ hẹp tới mở rộng dần theo lộ trình phù hợp; phân loại giá gửi xe cho từng loại xe phát thải khác nhau, kết hợp chính sách hỗ trợ: đổi xe cũ, mua xe điện, miễn giảm thuế, phát triển hạ tầng sạc…
Việc triển khai tốt lộ trình này sẽ giúp tạo bước đệm để người dân tập làm quen, thích nghi dần, và có giá trị thuyết phục hơn về khía cạnh kinh tế: các xe cũ nát bị loại thải trước, thay vì nhất loạt thay thế cùng lúc các đời xe xăng.
Mô hình Crit’Air không phải là giải pháp duy nhất nhưng cũng là một ví dụ cho cách tiếp cận khả thi về mặt kĩ thuật, một công cụ quản lý mềm nhưng mang lại hiệu quả điều chỉnh hành vi, tạo hiệu ứng thuyết phục về tâm lý.
Điều thuận lợi là Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho hệ thống phân loại xe dựa trên các tiêu chí môi trường. Vấn đề còn lại triển khai áp dụng mượt mà và truyền thông đúng hướng để nhận được sự hợp tác và đồng lòng của người dân.
Muốn chuyển đổi xanh thực chất, không nên chỉ ra lệnh cấm, mà hãy bắt đầu bằng lộ trình minh bạch và tinh thần đồng hành.
Hoàng Nguyên Thảo