
Một góc thành phố Hải Phòng – Ảnh: NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Wipha đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025.
Dự báo 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20-25km/h, đi vào Biển Đông và mạnh thêm.
Đến 10h ngày 20-7, vị trí tâm bão Wipha ở vào khoảng 21,7 độ vĩ bắc; 114,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 450km về phía Đông, sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Để chủ động ứng phó với bão, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và UBND các xã, phường, đặc khu, theo chức năng, phạm vi quản lý, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động phòng, chống; rà soát, sẵn sàng thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó đảm bảo “bốn tại chỗ”.
Kiểm tra, rà soát hệ thống công trình phòng, chống thiên tai, các công trình đang thi công, trụ sở các cơ quan, trường học, các khu nhà cũ, yếu, nhà mái tôn; kiểm tra trên thực tế việc chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và tổ chức trực ban nghiêm túc và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo lực lượng biên phòng tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão về nơi tránh trú an toàn;
Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Công an thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để tham gia ứng phó thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả và sơ tán, di dời dân khu vực nguy hiểm;
Bảo vệ công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, nắm tình hình, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tình hình sự cố, thiên tai để tuyên truyền kích động, chống phá Đảng, nhà nước…
Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của bão và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai;
Yêu cầu các địa phương hoàn thành việc sơ tán nhân dân khỏi các khu vực xung yếu, nguy hiểm và trên các lồng bè, phương tiện trên biển trước khi bão đổ bộ 24 giờ…
UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống bão của ngành, địa bàn được giao phụ trách.
Đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các xã, phường, đặc khu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.