Xi măng Hà Tiên lãi cao nhất 3 năm

Xi măng Hà Tiên lãi cao nhất 3 năm

bởi

trong

Sau giai đoạn thua lỗ hoặc lãi thấp, “ông lớn” xi măng Hà Tiên lấy lại mốc lợi nhuận trăm tỷ trong quý II, mức cao nhất 3 năm qua.

Báo cáo tài chính hợp nhất mới đây của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) cho thấy công ty có doanh thu gần 1.931 tỷ đồng, nhích nhẹ hơn 1% so với quý II/2024. Phần lớn nguồn thu của công ty đến từ việc sản xuất và buôn bán xi măng, clinker.

Kỳ này, giá vốn của công ty này hạ bớt 4% và duy trì ở mức thấp hơn doanh thu. Nhờ đó, lợi nhuận gộp cải thiện hơn một nửa lên gần 271 tỷ đồng. Biên lãi gộp ghi nhận ở mức 14%.

Chi phí tài chính và bán hàng tăng lên nhưng với tốc độ chậm. Trong khi đó, phần này được cân đối bởi chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm.

Tổng lại, Vicem Hà Tiên lãi sau thuế hơn 112,3 tỷ đồng, cao gấp 2,45 lần so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 3 năm qua, giúp doanh nghiệp lấy lại mốc lợi nhuận trăm tỷ sau nhiều quý thua lỗ hoặc lãi thấp.

Ban lãnh đạo cho biết sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý II tăng 8,5% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, giá vốn giảm do công ty tăng cường kiểm soát chi phí sản xuất và giá nguyên nhiên liệu đầu vào hạ bớt. Ngoài ra, HT1 còn tăng thu nhập từ việc thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, TP HCM.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vicem Hà Tiên có gần 3.518 tỷ đồng doanh thu và hơn 103 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ, doanh thu chỉ nhích thêm 3% nhưng lợi nhuận cao hơn gấp gần 5 lần nửa đầu năm 2024.

Năm nay, doanh nghiệp này lên kế hoạch sản xuất 3,6 triệu tấn clinker và 5,84 triệu tấn xi măng. Qua đó, doanh thu đề ra hơn 7.162 tỷ đồng và lãi sau thuế 184 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành lần lượt 49% và 56% kế hoạch cả năm.





Xi măng Hà Tiên lãi cao nhất 3 năm

Công nhân đang kiểm tra bao bì sản phẩm tại nhà máy. Ảnh: HT1

Vicem Hà Tiên thành lập năm 1964, thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (), nổi tiếng với các sản phẩm mang biểu tượng kỳ lân, có mặt tại hầu hết công trình dân dụng và công nghiệp trên khắp miền Nam. Doanh nghiệp này đang vận hành 2 lò nung clinker và 6 trạm nghiền xi măng tại nhiều tỉnh, thành với tổng công suất khoảng 7,5 triệu tấn mỗi năm – đứng đầu trong nhóm doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo Chứng khoán FPT (FPTS), nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chủ yếu đến từ phân khúc xây dựng nhà ở với tỷ trọng ước tính chiếm 72,3% cơ cấu sản lượng năm 2023. Riêng HT1, tỷ lệ này lên đến khoảng 90%. Do đó những năm gần đây, ngành này đã trải qua giai đoạn khá điêu đứng.

Giai đoạn 2020-2022, nhu cầu xây dựng nhà ở và xi măng trong nước sụt giảm mạnh do dịch đã khiến hoạt động thi công phải tạm dừng. Nhu cầu nhà ở ảm đạm kéo dài sang đến năm 2023 trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt và áp lực thanh toán nợ tăng cao. Năm 2024, diện tích sàn nhà ở tiếp tục sụt giảm khi hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn khi thủ tục cấp phép dự án chậm trễ. Theo đó, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa tăng chậm với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) chỉ đạt 1,5% trong giai đoạn 2011-2024.

Tuy nhiên, triển vọng ngành này đang ngày càng rộng cửa. Theo công ty nghiên cứu thị trường BMI thuộc Fitch Solutions, tốc độ tăng trưởng xây dựng nhà ở của Việt Nam sẽ đạt đỉnh năm 2026 ở mức 7,5% với kỳ vọng khung pháp lý bất động sản mới dần thẩm thấu vào thị trường cùng triển vọng dài hạn khả quan nhờ thời kỳ “dân số vàng” và đẩy mạnh đô thị hóa. Theo đó, FPTS dự phóng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2025 sẽ đạt mức 60,3 triệu tấn (tăng 2,4%) với tốc độ CAGR giai đoạn 2024-2030 ước đạt 2,38%.

Tất Đạt