Xung quanh khả năng bỏ room tín dụng

Xung quanh khả năng bỏ room tín dụng

bởi

trong

Bỏ hạn mức tín dụng từ năm 2026

Ngày 6.7, tại Công điện 104 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16% so với năm 2024 và tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch. “NHNN khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng”, Công điện viết.

Xung quanh khả năng bỏ room tín dụng

NHNN được giao phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16% so với năm 2024

Ảnh: Ngọc Thắng

Tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã áp dụng công cụ hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng được 14 năm. Bối cảnh dẫn đến việc này là thời điểm năm 2011, lạm phát tăng cao lên 18,13% do hậu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng và nhập siêu, chi tiêu Chính phủ tăng liên tục kéo theo tổng cầu tăng. Trước đó, từ năm 2005 đến 2010, cung tiền và dư nợ tín dụng của VN tăng trưởng nóng, bình quân tốc độ tăng trưởng là 30%/năm. Lượng tiền lưu thông lớn trong khi lượng sản phẩm trong nước không gia tăng tương ứng dẫn đến lạm phát cao. Sau khi thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, lạm phát những năm sau đó giảm mạnh, năm 2015 về mức 0,6% là thấp nhất trong thập niên (đây cũng là năm giá xăng dầu thế giới giảm mạnh). Từ năm 2020 đến nay, lạm phát được duy trì ở mức thấp và ổn định: từ 1,84 – 3,24%.

Dù lạm phát được ghìm cương nhưng bài học vẫn còn đó. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025, tăng trưởng tín dụng được NHNN đưa ra là 16%, tương ứng lượng tiền tăng thêm 2,5 triệu tỉ đồng. Tính đến 26.6, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỉ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024, tăng 18,87% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây khiến nhiều người lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại. Đặt ra việc bỏ hạn mức tín dụng vì thế nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Xung quanh khả năng bỏ room tín dụng- Ảnh 2.

Thận trọng khi bỏ “van điều tiết” tín dụng

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng quản lý tín dụng theo cách cấp hạn mức đã duy trì 14 năm, cũng nên tính đến việc bỏ. Bởi dù quản lý room tín dụng mang lại hiệu quả nhưng là biện pháp hành chính, không theo cơ chế thị trường không còn phù hợp. Dù ủng hộ bỏ room tín dụng, ông Nguyễn Hữu Huân lưu ý: Bài học lịch sử tăng trưởng tín dụng nóng từ năm 2007 – 2010 dẫn đến lạm phát ở mức cao vẫn còn đó. NHNN sử dụng room tín dụng như một cái “van” điều tiết dòng tiền ra thị trường nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo lạm phát trong tầm kiểm soát.

“Chính sách tiền tệ của VN hiện nay là đa mục tiêu, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tỷ giá nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát. Trong khi đó ở Mỹ, châu Âu… thì việc tăng trưởng kinh tế chủ yếu sử dụng chính sách tài khoán, còn chính sách tiền tệ tập trung vào kiểm soát lạm phát. Nếu VN lựa chọn theo cơ chế thị trường, chính sách tiền tệ cũng sẽ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát như các nước thì mới bỏ được hạn mức tín dụng”, ông Huân giải thích.

Theo chuyên gia này, thị trường tiền tệ biến động liên tục nên khi thực hiện bỏ room tín dụng, NHNN cần áp dụng mô hình định lượng, sử dụng dữ liệu và dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích thì mới quản lý được. Nếu không sẽ dễ xảy ra các cú sốc cho nền kinh tế như năm 2008, lạm phát tăng mạnh do nới lỏng quá mức tín dụng. Hay năm 2022, thắt chặt chính sách tín dụng khiến doanh nghiệp “ngộp thở”.

“Khi bỏ cấp hạn mức tín dụng cho các NH thì nhà điều hành cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất, tái cấp vốn, tỷ giá… Hiện nay, NHNN vẫn chủ yếu điều tiết qua thị trường mở, bơm – hút vốn ra vào thị trường để kiểm soát. Khi thực hiện bỏ hạn mức tín dụng, nên thực hiện các công cụ còn lại linh hoạt hơn để phát huy hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế mà không gây ra lạm phát tăng cao sau này”, ông Huân lưu ý.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện Tài chính, lại tỏ ra thận trọng khi cho rằng không nên bỏ hạn mức tín dụng. Theo ông, việc bỏ hạn mức tín dụng sẽ giúp các NH dễ hoạt động kinh doanh hơn. Thế nhưng một số NH hiện nay có nợ xấu cao nên có xu hướng đẩy tăng trưởng tín dụng để giảm tỷ lệ nợ xấu. Điều này dẫn đến khả năng tăng nợ xấu lên cao hơn khi không quản trị được.

“Quản lý tín dụng theo hình thức hành chính áp hạn mức hay quản lý theo các tiêu chí (tỷ lệ nợ xấu, hệ số CAR…) đều như nhau. Trong đó, quản lý bằng hạn mức tín dụng phát sinh bất cập nhưng có chi phí thấp hơn việc quản lý theo tiêu chí. Trong bối cảnh hiện nay không nên bỏ cấp hạn mức tín dụng khi con số nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của các NH còn cao”, ông Độ nêu quan điểm.

TS Nguyễn Đức Độ cũng cảnh báo nếu bỏ quản lý hạn mức, tín dụng có thể tăng nóng, NHNN không tăng cung tiền thì lãi suất tăng. Lúc này chỉ có doanh nghiệp bất động sản là có thể chịu được lãi suất vay cao, còn khối sản xuất kinh doanh không chịu nổi. Còn nếu NHNN tăng cung tiền thì lạm phát, tỷ giá sẽ tăng cao. Hơn nữa, tỷ lệ tín dụng trên tăng trưởng kinh tế (GDP) hiện nay lên đến 134% cũng là khá cao, con số này phản ánh khả năng trả nợ ngày càng thấp đi. Trong khi đó, thị trường tiền tệ biến động đòi hỏi NHNN phải liên tục giám sát khi lựa chọn quản lý tín dụng theo tiêu chí. Nhà điều hành phải có công cụ để theo dõi diễn biến thị trường với ít tốn chi phí nhất.

“Một điều kiện nữa trước khi bỏ hạn mức tín dụng, theo cơ chế thị trường đòi hỏi NH chấp nhận kỷ luật thị trường ở mức cao nhất. NH nào hoạt động yếu kém thì phá sản để cho NH tốt vươn lên. NH muốn tự do kinh doanh thì phải tự lực, chứ không thể đòi hỏi tự do kinh doanh rồi dẫn đến nợ xấu, yếu kém lại kêu cứu như một số NH thời gian qua. Khi nào nợ xấu thấp, có công cụ quản lý thị trường và các biện pháp răn đe mạnh thì mới tính đến bỏ hạn mức tín dụng”, ông Nguyễn Đức Độ giải thích quan điểm.

Để thực hiện nhiệm vụ vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cùng với đó, sẽ kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng của NH.

Ông Phạm Thanh Hà (Phó thống đốc NHNN)